Thực phẩm sạch luôn là chủ đề nóng hổi tại Việt Nam, dù có được nhắc đi nhắc lại mỗi ngày trong nhiều năm qua. Câu hỏi canh cánh luôn là: vì sao doanh nghiệp trồng rau sạch cứ "chết dần chết mòn" trong khi thị trường luôn luôn thèm khát rau quả sạch?
Thực phẩm sạch luôn là chủ đề nóng hổi tại Việt Nam, dù có được nhắc đi nhắc lại mỗi ngày trong nhiều năm qua. Câu hỏi canh cánh luôn là: vì sao doanh nghiệp trồng rau sạch cứ “chết dần chết mòn” trong khi thị trường luôn luôn thèm khát rau quả sạch?
TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) đã kể một câu chuyện của chính ông trên một tờ báo điện tử lớn về thất bại khi ông cùng các cộng sự thành lập và điều hành một dự án trồng rau sạch cách đây mấy năm. “Tôi có thể chia sẻ ngay câu chuyện của chính mình. Khi còn ở Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, chúng tôi đã thử tổ chức một công ty, nhờ một tổ chức quốc tế viện trợ cho chúng tôi một dự án. Lúc đó, chúng tôi hợp tác với nông dân xây dựng một vùng rau sạch ở vùng miền núi gần Hà Nội, làm với đồng bào dân tộc. Kết quả là chúng tôi lỗ gần chết, công ty gần như phá sản”.
Nguyên nhân, theo ông Sơn là bởi quy mô nguồn cung nhỏ lại không đều vì thời tiết thất thường, mức cầu cũng biến động theo ngày. Cả hai phía cung - cầu biến động nhưng những biến động đó lại lệch pha nhau. Rau quả mà thu hoạch chậm, không bán được thì chỉ có nước bỏ đi, trong khi những lúc thị trường cần, doanh nghiệp lại không đủ để cung ứng. Hệ thống phân phối rau sạch lại không có hoặc chỉ rất manh mún, tự phát. Vì vậy, dự án càng làm càng lỗ.
Câu chuyện của TS. Sơn có lẽ không phải là xa lạ với những người khát khao làm rau quả sạch. Mặc dù hiện tại một số tập đoàn và doanh nghiệp lớn cũng đã tuyên bố sẽ bỏ vốn vào thị trường này, song cho đến giờ sản phẩm của họ dường như cũng chỉ phân phối trong chuỗi siêu thị của chính họ, vốn có độ phủ sóng không quá lớn tại các đô thị. Đại đa số người tiêu dùng vẫn chỉ mua rau từ chợ mà không có bất kỳ một đảm bảo nào về độ sạch.
Những người tâm huyết có thể tự mở một vườn rau, mỗi ngày sẽ tự thu hoạch và ra một thực đơn rau cho một số khách hàng cố định quen thuộc, nhưng năng lực cung cấp quá nhỏ và giá cao, thiếu một cam kết ổn định lại luôn là một rào cản lớn. Vất vả, lời lãi ít, lâu dần nhiều người nản lòng và từ bỏ dự án, thậm chí người tiêu dùng cũng nản vì không thể chỉ ăn đi ăn lại 5-7 loại rau từ một vườn rau nhỏ, thêm vào đó là mua bán cũng không tiện lợi lắm.
Câu chuyện và những chia sẻ của TS. Sơn chỉ ra rằng, chỉ khi được làm quy mô lớn với hệ thống phân phối đủ mạnh và những cam kết cũng đủ mạnh giữa chính sách - doanh nghiệp - nông dân, thì may ra mới có một thị trường lành mạnh để phát triển nguồn rau củ quả sạch theo đúng nghĩa. Điều này không chỉ đúng với rau quả, mà còn đúng với các loại thực phẩm “bẩn” khác mà Việt Nam đang phải đối mặt mỗi ngày: thịt gà, thịt heo, thực phẩm chế biến, thủy hải sản…
Vi Lâm