Báo Đồng Nai điện tử
En

Kéo dài hay "khai tử" Thông tư 20?

11:07, 25/07/2016

Tháng 6-2011, Bộ Công thương đột ngột ban hành Thông tư 20/2011/TT - BCT nhằm siết chặt hoạt động nhập khẩu hàng xa xỉ, giảm nhập siêu cho nền kinh tế.

Tháng 6-2011, Bộ Công thương đột ngột ban hành Thông tư 20/2011/TT - BCT nhằm siết chặt hoạt động nhập khẩu hàng xa xỉ, giảm nhập siêu cho nền kinh tế. Thông tư này quy định doanh nghiệp nhập khẩu xe mới phải đáp ứng điều kiện có giấy ủy quyền của hãng sản xuất hoặc được quyền phân phối, sở hữu thương hiệu hàng hóa đó. Đồng thời, phải đáp ứng điều kiện có xác nhận của cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài. Doanh nghiệp cũng phải nộp kèm theo giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông - vận tải cấp. Khi Thông tư 20 được áp dụng, nhiều công ty chuyên kinh doanh ô tô nhập khẩu trên phạm vi cả nước đã ý thức rất rõ, với những yêu cầu “khó như lên trời”, nguồn hàng của họ sẽ bị chặn đứng vì quyền nhập khẩu sẽ rơi vào tay một số ít doanh nghiệp lớn.

Thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Sau khi thông tư mới được áp dụng, hàng loạt doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu ôtô nguyên đã bị “khai tử” do không thể đáp ứng được các yêu cầu của Thông tư 20.

Trong 5 năm qua, thị trường ô tô nhập khẩu gần như rơi vào tay các doanh nghiệp lớn. Song theo Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, Thông tư 20 đã tự động hết hiệu lực kể từ ngày 1-7-2016, sau thời gian tồn tại khoảng 5 năm. Các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng đang lo lắng rằng nếu Thông tư 20 bị gỡ bỏ, họ sẽ mất đi lợi thế độc quyền và phải chịu sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ lẻ nhưng rất năng động và nhạy bén với nhu cầu thị trường.

Theo nhiều báo đưa tin, trước ngày 1-7, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham), Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA), Phòng Thương mại và công nghiệp Đức tại Việt Nam và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã gửi công văn kiến nghị lên Thủ tướng đề nghị kéo dài hiệu lực Thông tư 20 hoặc thay thế bằng quy định khác có ý nghĩa tương tự.

Theo văn bản đó, trong 5 năm qua Thông tư 20 đã góp phần đảm bảo chế độ bảo hành, bảo dưỡng chính hãng; linh kiện, phụ tùng chính hãng và đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật; liên tục tiếp thu và cập nhật các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới; đảm bảo hoạt động triệu hồi sản phẩm trong trường hợp xe có lỗi do nhà sản xuất; đảm bảo hạ tầng, cơ sở vật chất và thiết bị theo tiêu chuẩn chính hãng; thu hút đầu tư bền vững và lâu dài trong lĩnh vực kinh doanh và sản xuất ô tô…

Tuy nhiên, không chỉ có các “đại gia” trong ngành kiến nghị, hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu quy mô nhỏ cũng đòi hỏi phải trả lại quyền lợi buôn bán, cạnh tranh cho họ một cách công bằng. Họ cũng kiến nghị lên Chính phủ yêu cầu dẹp bỏ Thông tư 20, trả lại cho họ quyền kinh doanh theo đúng luật. Theo thống kê Đài Truyền hình Việt Nam đưa ra, trước khi Thông tư 20 được ban hành, cả nước có khoảng 200 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, nhưng đến nay chỉ còn vài chục doanh nghiệp, số còn lại đều đã phá sản hoặc chuyển sang kinh doanh ô tô cũ. Tại Đồng Nai, thời điểm Thông tư 20 mới có hiệu lực, cũng khá nhiều doanh nghiệp buôn bán kinh doanh xe nhập khẩu đóng cửa, phá sản vì không đáp ứng nổi.

Theo nhiều ý kiến, mục tiêu được kỳ vọng của Thông tư 20 là giảm nhập siêu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng cho đến nay cũng gần như không đạt được, thay vào đó lại “bảo vệ” cho những doanh nghiệp lớn và “khai tử” những doanh nghiệp nhỏ, làm mất tính cạnh tranh của thị trường và người tiêu dùng có ít lựa chọn hơn.

Hiện tại, Chính phủ vẫn chưa có ý kiến cuối cùng về việc có duy trì Thông tư 20 hay không. Song quyết định nào, thiết nghĩ cũng nên hài hòa lợi ích chung của doanh nghiệp lớn - doanh nghiệp nhỏ và tạo được một môi trường cạnh tranh công bằng cho họ. Thông qua đó, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn đa dạng hơn.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều