Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng đi nào cho sản vật địa phương?

11:07, 18/07/2016

Một trong những điều khiến nông dân trồng chôm chôm vui mừng là 2 loại chôm chôm Long Khánh đã chính thức được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý trong tháng 6-2016, bao gồm chôm chôm tróc vỏ và chôm chôm nhãn Long Khánh.

Một trong những điều khiến nông dân trồng chôm chôm vui mừng là 2 loại chôm chôm Long Khánh đã chính thức được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý trong tháng 6-2016, bao gồm chôm chôm tróc vỏ và chôm chôm nhãn Long Khánh. Đây là sản phẩm thứ 2 của tỉnh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sau bưởi Tân Triều. Để được bảo hộ địa lý Long Khánh, chôm chôm phải được trồng ở các xã Bình Lộc, Xuân Tân, Bảo Vinh, Bảo Quang (TX.Long Khánh); Xuân Định, Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc); Xuân Thiện, Quang Trung, Gia Kiệm và Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất); Sông Nhạn, Xuân Quế, Bảo Bình và Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) và được bảo quản, đóng gói tại các khu vực gồm: TX.Long Khánh, các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và Cẩm Mỹ. Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - công nghệ), tổng diện tích trồng chôm chôm được bảo hộ trong toàn khu vực lên tới gần 7 ngàn hécta.

Cũng như bưởi Tân Triều, vấn đề của chôm chôm Long Khánh là mặc dù đã có tiếng là sản vật, đã được chính thức cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhưng lợi ích về mặt thương mại gần như chưa có gì. Chôm chôm Long Khánh vẫn bán đại trà cho thương lái khi vào vụ, giá cũng tương đương chôm chôm nhiều vùng khác. Bưởi Tân Triều cũng thế, loanh quanh vài địa phương lân cận, nhỏ lẻ và dễ bị trà trộn. Gần như rất hiếm hoi doanh nghiệp hoặc nông dân nào thực sự khai thác được lợi thế từ 2 loại sản vật địa phương đã được thừa nhận chính thức này. Nhìn rộng ra, các loại sản vật địa phương khác cũng gặp phải vấn đề tương tự. Trong số 43 loại sản vật được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên cả nước, hầu như cũng chẳng mấy loại khai thác được hiệu quả về mặt thương mại ở quy mô khá, mặc dù vẫn có một số lợi thế khi sản phẩm được công bố bảo hộ. Các sản vật nổi tiếng, như: vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên, cam Cao Phong... mặc dù nổi tiếng, song vẫn dễ dàng lâm cảnh được mùa mất giá hoặc bị trà trộn, nhái thương hiệu tràn lan trên thị trường, gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, từ việc được chính thức công nhận là đặc sản địa phương đến việc xây dựng và khai thác hiệu quả thương hiệu đó còn đòi hỏi nhiều nỗ lực. Đó là những nỗ lực quản lý, rà soát, hoạch định hướng đi của chính quyền với các sản vật địa phương, tránh tình trạng giả, nhái tràn lan làm giảm uy tín thương hiệu. Về phía nông dân hay doanh nghiệp, họ cần đến những sự liên kết minh bạch rõ ràng về quyền và nghĩa vụ khai thác thương hiệu của loại sản vật đó, đi kèm với những ràng buộc về trách nhiệm khi khai thác một thương hiệu chung của cả vùng. Chưa kể nghĩa vụ duy trì và bảo vệ chất lượng sản phẩm - yếu tố sống còn làm nên thương hiệu sản vật địa phương. Không ít những hạn chế khi các địa phương khai thác thương hiệu sản vật của mình đã được chỉ ra, như: thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, công tác tuyên truyền, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng còn ít; quản lý giám sát thị trường hạn chế, hiện tượng bán trà trộn nhãn khác dùng bao bì, túi đựng, mạo danh thường xuyên xảy ra; chưa gắn kết được sản xuất và tiêu thụ, chưa xây dựng được hệ thống phân phối ổn định... đã làm nhiều loại sản vật địa phương dù được chính thức công nhân từ nhiều năm, đến nay vẫn loay hoay chưa có lối ra.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều