Lần đầu tiên sau 10 năm kể từ năm 2005, Tổng cục Thống kê công bố nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm 2016.
Lần đầu tiên sau 10 năm kể từ năm 2005, Tổng cục Thống kê công bố nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm 2016. Theo đó, giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản trong 6 tháng qua giảm tới 0,18%, tương ứng 397.400 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là do sản lượng lúa đông - xuân năm nay chỉ đạt 19,4 triệu tấn, giảm mạnh so với cùng kỳ, khiến nông nghiệp giảm 0,78%. Thêm vào đó, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long... gây thiệt hại nặng. Trước đó, Bộ Kế hoạch - đầu tư ước tính rằng hạn hán, xâm nhập mặn đã gây thiệt hại khoảng 15 ngàn tỷ đồng cho nền kinh tế Việt Nam (nguồn: Tổng cục Thống kê và Báo Vnexpress).
Một quan chức của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn nhận xét, mặc dù nông nghiệp tăng trưởng âm có sự tác động lớn do khách quan (thiên tai, hạn hán, xâm mặn…), song đây quả là điều đáng lo ngại, do đó cần xem xét để có những chính sách đầu tư phù hợp cho nông nghiệp trong thời gian tới. Về chính sách đầu tư cho nông nghiệp, hiện nông nghiệp đang đóng góp 19-20% cho GDP cả nước, song đầu tư cho nông nghiệp lại chỉ chiếm 5-6%.
Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cũng thừa nhận về chủ trương chung, Chính phủ rất quan tâm đến nông nghiệp, chính sách hỗ trợ cũng ra liên tục, song không nhiều chính sách thiết thực và “chạm” được đến nông dân. Đơn cử các chính sách về vay vốn đầu tư có hỗ trợ lãi suất để mua máy móc nông nghiệp và giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định 63 ra đời từ năm 2010, song vấp phải nhiều rào cản nên đến lúc này nông dân vẫn khó “chạm” được. Cụ thể, chính sách này ràng buộc tỷ lệ nội địa hóa trong các loại máy móc nông nghiệp được hỗ trợ lãi suất, ràng buộc về thế chấp tài sản, huy động vốn vay ngắn hạn - dài hạn trong hệ thống ngân hàng tham gia... nên sau nhiều năm, tác dụng không lớn. Nông dân vẫn loay hoay với lãi suất cao (7-8%/năm cho vay ngắn hạn và 11-13%/năm cho vay dài hạn), trong khi ở quốc gia lân cận như Thái Lan thì mức lãi suất nông nghiệp được cho là thấp hơn nhiều.
TS.Lê Văn Bảnh - Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) khi trả lời phỏng vấn sau buổi họp báo của Tổng cục Thống kê, cho rằng điều đáng lo nhất hiện nay là khi hội nhập, sản xuất nông nghiệp phải thay đổi từ gốc rễ. Nghĩa là ngoài việc đáp ứng sản lượng lớn, Việt Nam cần xây dựng được thương hiệu hàng hóa. Muốn làm được điều này, buộc phải có sự liên kết trong chuỗi sản xuất, cần kết nối chuyên nghiệp giữa nhà nước, nông dân và doanh nghiệp để có những vùng sản xuất lớn, có thương hiệu nông sản. Ở góc độ này, hiện tại “nhìn đâu cũng khó” vì cái căn bản nhất là đất đai cũng chưa tập hợp được. Các cánh đồng lớn, vùng sản xuất lớn chưa có nhiều vì nông dân vẫn sở hữu và sản xuất trên những mảnh vườn nhỏ lẻ. Ông Bảnh cho rằng, sự thiếu liên kết cộng với hàng loạt khó khăn khác có thể dẫn tới hệ quả là chúng ta thua ngay trên sân nhà. Đây chính là điều đáng lo ngại nhất.
Nông nghiệp tăng trưởng âm là điều đáng lo trước mắt. Song, đáng lo ngại nhiều hơn vẫn là những chính sách phát triển lâu dài. Thiên tai, hạn hán, xâm mặn... hay những khó khăn thách thức khách quan khác sẽ vẫn diễn ra liên tục, nên Việt Nam cần một nền nông nghiệp mạnh về nội lực để ứng phó và phát triển, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh đang ngấp nghé trước từng mảnh vườn, mảnh ruộng của nông dân.
Vi Lâm