Báo Đồng Nai điện tử
En

Sau những thương vụ lớn

07:05, 10/05/2016

Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) cách đây vài ngày vừa có công văn gửi ban lãnh đạo hệ thống siêu thị BigC đề nghị không tăng thêm chiết khấu cho doanh nghiệp trong năm 2016, vì mức chiết khấu tăng cao gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) cách đây vài ngày vừa có công văn gửi ban lãnh đạo hệ thống siêu thị BigC đề nghị không tăng thêm chiết khấu cho doanh nghiệp trong năm 2016, vì mức chiết khấu tăng cao gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, chiết khấu mới áp dụng tăng thêm 4,5-5,5%, lên mức 17-25%, là quá cao cho doanh nghiệp. VASEP cho biết thời gian gần đây, một số siêu thị đổi chủ thông qua các thương vụ sáp nhập lớn, đồng thời thay đổi luôn một số chính sách về chiết khấu đối với doanh nghiệp sản xuất hàng trong nước, làm chi phí tăng lên và một số doanh nghiệp hội viên của VASEP đã rút hàng khỏi kệ.

Sự việc giữa VASEP và hệ thống siêu thị BigC làm dấy lên quan ngại là liệu doanh nghiệp Việt có còn được rộng cửa bước chân vào các hệ thống siêu thị lớn - giờ đây đã thuộc về các ông chủ nước ngoài sau những thương vụ hàng tỷ USD? Tỷ lệ hàng Việt Nam trong các hệ thống siêu thị lớn đó được cho là đang có dấu hiệu giảm, dành chỗ cho hàng nhập từ Thái Lan và các nước khác.

Thực tế, để được đứng chân trong các hệ thống siêu thị là những nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ phải vượt qua những hàng rào khắt khe về chất lượng, an toàn, nhãn mác... mà chi phí để duy trì sự có mặt ở các kệ hàng là con số không nhỏ. Giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất thực phẩm ở Đồng Nai chia sẻ, trong thực tế hàng bán trong siêu thị hoàn toàn không có lãi. Tuy nhiên, doanh nghiệp nào cũng muốn và cần có mặt ở siêu thị vì đó là một sự xác tín cho thương hiệu và chất lượng hàng hóa. Có lẽ nắm được điều này, nhiều hệ thống siêu thị đã yêu cầu doanh nghiệp chịu hàng loạt chi phí khác cho siêu thị, như: mở điểm bán mới, kỷ niệm ngày thành lập, chi phí cho thương lượng chung, vận chuyển, chương trình khuyến mãi… Thậm chí, siêu thị nào cũng ra mắt các sản phẩm mang nhãn hàng riêng của mình, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp đang kinh doanh những mặt hàng đó trong siêu thị, với những ưu ái riêng về vị trí và giá cả.

Đến hiện tại vẫn chưa có một thống kê minh bạch, chính xác và thẳng thắn nào về tỷ lệ hàng Việt Nam (cụ thể là thương hiệu của Việt Nam chứ không phải hàng của các công ty đa quốc gia sản xuất trong nước) có mặt tại các hệ thống siêu thị. Nhiều người đã không tin vào con số 90 - 95% hàng trong siêu thị là hàng Việt như vẫn công bố lâu nay, bởi quan sát bằng mắt thường cũng thấy hàng Việt đang dần co lại. Những hệ thống siêu thị đình đám nhất sau những vụ chuyển nhượng đang dành phần ưu tiên cho hàng của các doanh nghiệp Thái Lan, Nhật Bản… Sắp tới, còn chưa biết là tỷ lệ hàng ngoại sẽ áp đảo đến mức nào trên các kệ hàng sau khi thuế hàng hóa giảm về 0 theo tinh thần của những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng trong nước đã nhìn thấy những khó khăn ngày càng rõ rệt hơn khi việc kinh doanh hàng hóa trên chính sân nhà đã, đang và sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng ngoại. Sau những thương vụ lớn trị giá hàng tỷ USD, các hệ thống bán lẻ đình đám chuyển người sở hữu, và không thể trách móc gì nếu chủ mới ưu tiên cho doanh nghiệp đồng hương. Cũng thật khó để tiếp tục kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt khi khắp nơi đều bày bán hàng ngoại nhập. Tuy vậy, cuộc chơi là công bằng, khi không thể nhanh chóng có biện pháp cạnh tranh hữu hiệu thì ngay tại thị trường nội địa, doanh nghiệp Việt cũng mất chỗ đứng, chưa nói gì đến việc xuất khẩu hàng để hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do như đã kỳ vọng.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều