Năm 2016 của Đồng Nai dường như mở đầu khá thuận lợi khi Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư) công bố kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quý I.
Năm 2016 của Đồng Nai dường như mở đầu khá thuận lợi khi Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư) công bố kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quý I. Theo đó, Đồng Nai đang là địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong quý I-2016. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, Đồng Nai đã thu hút được 26 dự án cấp mới và 34 dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 585 triệu USD, chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư cả nước. Bắc Ninh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 398 triệu USD, chiếm 9,8%. Bình Dương đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 371 triệu USD chiếm 9,2% tổng vốn đầu tư.
Đây là kết quả đáng khích lệ vì khá lâu rồi, Đồng Nai mới dẫn đầu “bảng xếp hạng”, dù luôn nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành thu hút FDI nhiều nhất nước. Kết quả này là từ hàng loạt các nỗ lực thu hút FDI, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, rút gọn thủ tục... với phương châm nổi tiếng “đồng hành cùng doanh nghiệp” mà tỉnh đưa ra nhiều năm nay. Đáng mừng hơn là từ năm 2014, mặc dù Đồng Nai quyết định chỉ đón chào những dự án xanh, sạch, thân thiện với môi trường, công nghệ cao và kiên quyết nói không với các dự án gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu… song dòng vốn vẫn chảy về đều đặn, không sụt giảm.
Tuy vậy, dường như những cải thiện đáng chú ý nhất vẫn đang tập trung cho khối doanh nghiệp có vốn từ nước ngoài, trong khi những ưu tiên cải cách dành cho khối doanh nghiệp dân doanh trong nước vẫn chưa thấy rõ lắm. Để thu hút FDI, Đồng Nai có “bàn Kansai” chuyên giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp Nhật, quy định rõ số ngày giải quyết các thủ tục từ thuế, hải quan đến các mục khác, tổ chức nhiều buổi gặp gỡ doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh thường xuyên tiếp đón các đoàn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư hoặc giải quyết các khúc mắc trong quá trình đầu tư của doanh nghiệp FDI. Điều này thật đáng khích lệ. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh, cũng rất cần sự khích lệ, quan tâm từ phía chính quyền, vì nói cho cùng kinh tế của một địa phương nói riêng và cả quốc gia nói chung có “khỏe mạnh” hay không, phụ thuộc vào khối doanh nghiệp dân doanh.
Đơn vị thực hiện báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) - Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa qua khi công bố kết quả PCI 2015 tại Đồng Nai cũng có góp ý nhỏ khá chân tình về việc này. Theo VCCI, khảo sát cho thấy, dưới con mắt của doanh nghiệp dân doanh thì môi trường kinh doanh Đồng Nai chưa thực sự tốt, trong khi doanh nghiệp FDI đánh giá tốt hơn. Điều này là điều mà tỉnh cần phải suy nghĩ, xem có quá ưu ái các nhà đầu tư nước ngoài mà “lãng quên” doanh nghiệp trong nước hay không. Đây là một góp ý cần quan tâm, mặc dù hiện tại kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đang chủ yếu nằm ở khối doanh nghiệp FDI, song thực tế, lợi nhuận và giá trị gia tăng thực sự chưa nhiều bởi còn nặng về gia công.
Đồng Nai đang là điểm sáng trong thu hút đầu tư so với các địa phương trong nước, PCI 2015 cho thấy các đánh giá, như: tính bình đẳng, chi phí không chính thức, sự năng động của chính quyền, tính minh bạch... của Đồng Nai đã được cải thiện nhiều. Đặc biệt, tiêu chí về hạ tầng (nước sạch, hạ tầng các khu công nghiệp, điện, internet…) thì Đồng Nai cùng với Bình Dương và Đà Nẵng là những địa phương được doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá là tốt nhất hiện nay. Mong rằng trong những năm tới, Đồng Nai không những là địa phương thu hút FDI tốt nhất, mà còn là “cái nôi” để những dự án từ doanh nghiệp dân doanh tin tưởng đầu tư.
Vi Lâm