Báo Đồng Nai điện tử
En

Nội lực, nhìn từ con tôm đến con heo

10:04, 25/04/2016

Người ta nói nhiều về sức ép cạnh tranh đến từ bên ngoài đối với ngành chăn nuôi trong nước. Từ con bò đến quả trứng, các sản phẩm chăn nuôi ngoại nhập đe dọa miếng cơm manh áo của người nông dân.

Người ta nói nhiều về sức ép cạnh tranh đến từ bên ngoài đối với ngành chăn nuôi trong nước. Từ con bò đến quả trứng, các sản phẩm chăn nuôi ngoại nhập đe dọa miếng cơm manh áo của người nông dân. Lợi thế lớn nhất của hàng ngoại là giá rẻ do năng suất lao động cao dẫn đến giá thành thấp. Song “soi chiếu” rất nhiều vụ việc diễn ra gần đây trên lĩnh vực này, thì thấy rõ “đối thủ” lớn nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam không phải là các sản phẩm chăn nuôi ngoại nhập, mà là ý thức kém về sản phẩm do chính mình làm ra. Nói cách khác, nội lực yếu thì dù không có hàng ngoại, ngành chăn nuôi vẫn thua. Một tờ báo dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho thấy, trong 2 năm 2014 và 2015 đã có 32 ngàn tấn thủy sản xuất khẩu bị trả về do tồn dư chất kháng sinh. Các mặt hàng bị trả về hầu hết đều là thủy sản xuất khẩu chủ lực, như: tôm đông lạnh, cá tra phi lê đông lạnh với các nguyên nhân chủ yếu, như: nhiễm kháng sinh, nhiễm vi sinh vật gây hại vượt mức cho phép; nhiễm các mầm bệnh trên tôm (như: bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng…) thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE); đóng gói sai quy cách, sai thông tin… (nguồn: Báo Người lao động).

Theo đánh giá của Cục Thú y, việc các lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị các nước trả về trước đây hàng năm đều có, nhưng trong 2 năm 2014 và năm 2015 tình hình có dấu hiệu nghiêm trọng. Thị trường trong nước cũng không khá hơn với việc liên tục phát hiện heo nhiễm chất cấm, rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật… diễn ra trên diện rộng. Đồng thời, với hàng trăm vụ “biến hóa” nông sản thực phẩm để kiếm lời: ngâm trái cây vào hóa chất, nhuộm vàng thịt gà, ngâm cá vào chất bảo quản… tình hình nghiêm trọng đến nỗi lần đầu tiên Bộ luật Hình sự năm 2015 bắt đầu có hiệu lực từ 1-7-2016, quy định cụ thể việc bỏ tù người sản xuất, kinh doanh “thực phẩm bẩn”.

Có thể nói, người tiêu dùng đang ngại ngần ngay chính các sản phẩm do nông dân Việt Nam sản xuất. Nhiều người tự “giải cứu” bằng cách tự trồng rau, thậm chí nuôi cá ngay tại đô thị với sự hỗ trợ của các hệ thống trồng trọt sáng tạo, hoặc chỉ dùng hàng nhập khẩu từ các thị trường khó tính, hoặc săn lùng cá sạch, heo quê, thực phẩm hữu cơ không hóa chất… và bỏ rất nhiều chi phí để mua. Tuy nhiên, ai cũng hiểu về lâu dài, “tấm khiên” vững chắc nhất của ngành chăn nuôi trong nước chính là việc sản xuất ra những sản phẩm sạch, đúng chuẩn để người tiêu dùng trong nước bỏ tiền mua và có thể xuất khẩu.

“Giặc” ngay trong chính nhà mình. Chừng nào người nông dân hay người kinh doanh do thiếu hiểu biết, hay do hám lợi, còn đầu độc người mua bằng sản phẩm tồn dư chất cấm, sản phẩm thiếu an toàn thì không cần đến sự “xâm lăng” của hàng ngoại, chăn nuôi Việt Nam cũng sẽ dần đi vào ngõ cụt.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều