Báo Đồng Nai điện tử
En

Đôi điều về PCI cấp tỉnh

11:04, 04/04/2016

Gần 10 ngàn doanh nghiệp, trong đó quan trọng nhất là lực lượng doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tham gia khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2015, mà kết quả vừa được công bố vào ngày cuối cùng của tháng 3 -2016, tại Hà Nội.

Gần 10 ngàn doanh nghiệp, trong đó quan trọng nhất là lực lượng doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tham gia khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2015, mà kết quả vừa được công bố vào ngày cuối cùng của tháng 3 -2016, tại Hà Nội.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hay PCI (viết tắt của Provincial Competitiveness Index) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh. Đây là dự án hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Chỉ số này được công bố thí điểm lần đầu tiên vào năm 2005 cho 42 tỉnh, thành và năm nay là năm thứ 11 PCI được công bố.

Theo thông tin từ VCCI, kết quả PCI 2015 cho thấy dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh. Số doanh nghiệp trong nước tăng quy mô đầu tư vốn tiếp tục tăng nhẹ (10,9%). Lần đầu tiên trong vòng 10 năm, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp đã tăng đến mức cao nhất, trung bình là 16,5 tỷ đồng, gấp đôi so với quy mô của năm 2006. Số doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động cũng tăng gần gấp đôi (12%) so với mức đáy của năm 2012. Doanh nghiệp cũng lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh: năm 2015, gần một nửa (49%) doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới, lần lượt tăng 3% và 16% so với năm 2014 và 2013. Đây cũng là mức cao nhất của chỉ tiêu này trong vòng 5 năm công bố báo cáo PCI gần đây.

Năm 2015, Đồng Nai xếp thứ 37 trong 63 tỉnh, thành, tăng 5 bậc so với năm 2014 và là tỉnh được xếp vào nhóm khá. TP.Đà Nẵng năm thứ 3 liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh, tiếp đến là tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Quảng Ninh. Đứng đầu Đông Nam bộ là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với hạng 18, tỉnh Bình Dương xếp hạng 25. Đồng Nai cũng được đánh giá là một trong 5 tỉnh, thành phố được các doanh nghiệp dân doanh đánh giá tốt nhất về cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa ổn mà PCI chỉ ra. Đáng tiếc, những điều này lại rơi vào các nội dung thuộc về hoạt động của cơ quan nhà nước, chính quyền. Tại nhóm các tỉnh xếp hạng khá trong bảng khảo sát PCI 2015, 39% doanh nghiệp vẫn cho biết “tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp”, tăng 4% (có ý nghĩa về mặt thống kê) so với năm 2014. Đồng thời, gần 49% doanh nghiệp cho rằng “tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước”, tăng 6% so với năm trước đó.

Đối với khu vực FDI, cảm nhận về môi trường đầu tư Việt Nam vẫn còn kém hấp dẫn về chi phí không chính thức, gánh nặng quy định, chất lượng cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ công, như: giáo dục, y tế. Các nhà đầu tư đang lo ngại trước những rủi ro về kinh tế vĩ mô và những thay đổi trong quy định pháp luật hoặc thuế khiến lợi nhuận của họ có thể giảm sút.

Ngoài ra, đối với mục chi phí không chính thức, đáng buồn là doanh nghiệp cho biết chi trả chi phí này tăng qua các năm, từ 50% (2013), lên tới 64,5% (2014) và 66% (2015). Hơn 11% doanh nghiệp tham gia điều tra năm nay cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, tăng so với 2014 (10%). Vẫn có 65% doanh nghiệp cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến.

Vi Lâm

* Bài viết có sử dụng thông tin, số liệu trong báo cáo toàn văn PCI cấp tỉnh 2015 công bố ngày 31-3.

 

Tin xem nhiều