Hội nghị nhằm tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp khi đứng trước những cơ hội lớn của các hiệp định thương mại tự do (FTA) tổ chức lần đầu tiên tại Đồng Nai vào đầu tháng 4 đã đặt ra một vấn đề: bao nhiêu doanh nghiệp thực sự đã tiếp cận, đọc, hiểu và "tiêu hóa" được những thông tin trong các văn kiện của các FTA quan trọng đối với ngành, lĩnh vực mà mình đang sản xuất?
Hội nghị nhằm tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp khi đứng trước những cơ hội lớn của các hiệp định thương mại tự do (FTA) tổ chức lần đầu tiên tại Đồng Nai vào đầu tháng 4 đã đặt ra một vấn đề: bao nhiêu doanh nghiệp thực sự đã tiếp cận, đọc, hiểu và “tiêu hóa” được những thông tin trong các văn kiện của các FTA quan trọng đối với ngành, lĩnh vực mà mình đang sản xuất? Gần như không một doanh nghiệp nào tại hội nghị đủ tự tin để nói rằng mình đã đọc, kể cả những doanh nghiệp trong các lĩnh vực được cho là có nhiều cơ hội lớn trong các FTA, như: dệt may, da giày; hoặc doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đầy thách thức, như chăn nuôi hoặc sản xuất hàng tiêu dùng trong nước.
Đơn giản là hàm lượng thông tin từ các văn kiện của các FTA là quá “khủng”, dài hàng chục ngàn trang, in ra và xếp lại có thể cao hơn 1m. Đơn cử, với FTA quan trọng bậc nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã có khoảng 5.544 trang, cao hơn 1m. Điều này cũng không có gì ngạc nhiên bởi sau hơn 5 năm đàm phán với hơn 30 phiên làm việc ở cấp kỹ thuật và hơn 10 cuộc đàm phán ở cấp bộ trưởng, các nước TPP mới chính thức kết thúc được hàng ngàn trang với hàng ngàn điều khoản vào ngày 5-10-2015 tại hội nghị bộ trưởng tại Atlanta, Hoa Kỳ. Hiệp định bao gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống, như: hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước... Dù Bộ Công thương đã công bố toàn văn TPP bằng 3 thứ tiếng, gồm: tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha, song cho đến nay, hầu như doanh nghiệp chưa “tiêu hóa” nổi, dù là chỉ những thông tin liên quan đến lĩnh vực của mình. Ông Herb Cochran - Giám đốc điều hành AmCham tại TP.Hồ Chí Minh, nói vui ngay cả ông với hàng chục năm kinh nghiệm cũng phải “mất mấy ngày, hoa cả mắt” khi đọc toàn văn TPP vì có nhiều chương, nhiều phụ lục rất khó hiểu. Do đó, thông tin cần phải được giải thích cụ thể, rõ ràng, dễ nắm bắt. Ông Herb đề nghị nên trả lương cho vài người để làm việc diễn giải và cung cấp thông tin của các FTA đến cho doanh nghiệp.
Có lẽ vì vậy mà theo Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), qua khảo sát có đến 21% doanh nghiệp dân doanh tại Đồng Nai cho biết là họ không biết gì về TPP; 41% có nghe nói nhưng không hiểu sâu; 32% cho biết đã đánh giá sơ sơ và chỉ 6% cho biết đã tìm hiểu tương đối kỹ.
Hiện tại, Việt Nam đã ký kết xong 10 FTA, hoàn tất đàm phán 2 FTA và đang đàm phán thêm 3 FTA, gần như không một quốc gia nào triển khai cùng lúc nhiều FTA đến thế. Do đó, việc để doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ thông tin, điều khoản, chương mục... của các FTA ngay từ sớm là điều hết sức cần thiết. Cho đến giờ này, gần như chưa một cơ quan cấp bộ hay một địa phương nào làm nhiệm vụ dịch, chẻ nhỏ, phân loại, cung cấp thông tin của các FTA theo ngành, theo từng lĩnh vực sản xuất cho các doanh nghiệp cả, mặc dù đâu đâu người ta cũng nghe nói về các FTA.
Hiểu rõ những gì mà mình đã, đang và sắp tham gia, trở thành một bộ phận chính trong thị trường hội nhập đầy biến động là điều mà doanh nghiệp muốn hay không muốn cũng phải làm để bảo vệ chính “nồi cơm” của mình. Thiết nghĩ, Bộ Công thương hoặc các địa phương cần sớm có bộ phận chuyên dịch, phân loại, cung cấp thông tin dễ dàng, thuận lợi đến các doanh nghiệp để họ ít nhất đủ thông tin để quyết định đường đi nước bước của mình trong một thị trường cạnh tranh nóng bỏng đang dần tới.
Vi Lâm