Báo Đồng Nai điện tử
En

"Nỗi đau" thương hiệu

12:03, 01/03/2016

Không phải quốc gia nào cũng có thể chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm đã tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ vài tỷ USD lên trên 150 tỷ USD với nhiều thị trường, trong đó có những thị trường nổi tiếng khó tính bậc nhất, như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản…

Không phải quốc gia nào cũng có thể chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm đã tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ vài tỷ USD lên trên 150 tỷ USD với nhiều thị trường, trong đó có những thị trường nổi tiếng khó tính bậc nhất, như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… Từ một quốc gia nông nghiệp hàng ngàn năm, các sản phẩm gạo, cà phê, tiêu, điều đã giúp Việt Nam luôn nằm trong nhóm những quốc gia dẫn đầu về cả sản lượng lẫn chất lượng.

Nhưng gần 30 năm mở cửa giao thương (tính từ năm 1986), câu chuyện thương hiệu hàng xuất khẩu vẫn là câu chuyện đầy nhức nhối. Đúng là Việt Nam xuất khẩu rất nhiều, rất đa dạng, song trên thị trường thế giới, hàng Việt Nam nhìn chung gần như chưa có thương hiệu, hoặc nhiều khi chỉ là “đồng thương hiệu” với những nhà kinh doanh từ các quốc gia khác. Nguyên nhân vẫn nằm ở chỗ: chúng ta không trực tiếp xây dựng thương hiệu và thị trường cho hàng xuất khẩu, hoặc chưa đủ sức làm, nên hàng hóa Việt đa phần đến với người tiêu dùng trên thế giới qua nhiều tầng nấc trung gian, và thương hiệu thuộc về người khác. Lấy ví dụ đơn cử ở 2 mặt hàng nổi bật nhất: cà phê và gạo. Ở mặt hàng cà phê, nhiều thống kê cho thấy một sản lượng lớn cà phê cappuchino mà người tiêu dùng trên thế giới đang uống (thống kê từ trang mạng của Tổng cục Hải quan thì con số này nằm ở mức 40-50%) xuất xứ từ Việt Nam. Song thử hỏi, có bao nhiêu thương hiệu cà phê Việt Nam được thế giới nhìn nhận và biết đến? Tương tự, gạo xuất đi rất nhiều và Việt Nam luôn đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo. Song thương hiệu gạo Việt Nam nào đủ mạnh đế ghi tên vào “bản đồ hàng hóa” trên trường quốc tế? Sự thật phần lớn hàng hóa Việt Nam, từ nông sản đến hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc... đều đến tay người tiêu dùng quốc tế với thương hiệu của những doanh nghiệp quốc gia khác. Phần giá trị nhất, lời lãi nhất trong quá trình khai thác mặt hàng đó cũng thuộc về họ, không phải các doanh nghiệp hay nông dân Việt Nam.

Báo Hải Quan dẫn phân tích của ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương), cho rằng bất cập của hình thức xuất khẩu qua trung gian đó là các mặt hàng sẽ mất dần chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Bởi lẽ, khi xuất khẩu qua trung gian, nhà sản xuất trong nước sẽ không biết nhu cầu của người tiêu dùng như thế nào, các đại lý tại nước ngoài cũng ít khi chia sẻ trực tiếp với họ thị hiếu cũng như sở thích của người tiêu dùng. Hơn nữa, do bán qua nhiều tầng nấc nên thông tin đến với doanh nghiệp sản xuất nhiều khi sai lệch. Chưa kể, bán hàng qua trung gian còn khiến cho hàng hóa Việt Nam bị ép giá. “Rõ ràng nếu không duy trì được thương hiệu, giảm bớt trung gian thì hàng xuất khẩu càng thất thế” - ông Hải nói trên Báo Hải Quan.

Tuy nhiên, thực tế cần nhìn nhận điều này như một bài toán công bằng. Chúng ta lo làm, lo sản xuất tốt nhưng chưa lo được phần xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường, vì vậy mà thua thiệt. Những nhà kinh doanh nhanh nhạy và giàu kinh nghiệm trên thị trường quốc tế sẽ “giúp” ta làm điều đó và hưởng lợi nhiều hơn, điều này là hiển nhiên.

Song, kéo dài “sự hiển nhiên” đó đến khi nào lại là một việc cần suy nghĩ. Việt Nam mở cửa đã 30 năm, và đặc biệt 5 năm gần đây, mở cửa càng mạnh mẽ với hàng loạt hiệp định kinh tế song phương và đa phương được đàm phán và ký kết. Nếu hàng Việt mãi không có thương hiệu, Việt Nam sẽ đem gì để đi “đánh xứ người”?

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều