Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ mình trước lòng tham

11:03, 07/03/2016

Sự kiện những người đứng đầu công ty bán hàng đa cấp Liên Kết Việt bị bắt và khởi tố đã làm xôn xao dư luận suốt tuần qua.

Sự kiện những người đứng đầu công ty bán hàng đa cấp Liên Kết Việt bị bắt và khởi tố đã làm xôn xao dư luận suốt tuần qua. Theo điều tra của cơ quan chức năng, từ tháng 6-2014 đến tháng 7-2015, các thành viên đứng đầu mạng lưới đã phát triển hệ thống đa cấp với hơn 45 ngàn người tham gia, tổng số tiền thu trên 1.900 tỷ đồng. Nhóm này nhận được số tiền thù lao cùng hoa hồng lên đến gần 44 tỷ đồng. Rất dễ bắt gặp những người đã từng liên quan đến hình thức bán hàng phức tạp này. Đó có thể là người thân, người quen, bạn cũ... với nhiều ngành nghề, thậm chí rất đàng hoàng: kỹ sư, nhân viên ngân hàng, dược sĩ... Nhưng phổ biến nhất vẫn là sinh viên, người nội trợ - những người thường được dụ dỗ bởi lý luận kinh doanh “không bỏ nhiều vốn nhưng lãi nhiều, mau giàu” mà các mạng lưới đa cấp không đàng hoàng thường sử dụng. Những câu chuyện về các nạn nhân đổ nợ vì đa cấp cũng rất phổ biến.

Thực ra, Liên Kết Việt không phải là công ty bán hàng đa cấp đầu tiên bị khởi tố, mà trước đó một số công ty bán hàng đa cấp sai phạm đã bị xử lý hình sự, như: MB 24, Colony Invest, Tâm Mặt Trời...     

Bán hàng đa cấp có xấu không? Hình thức kinh doanh này đã ra đời từ thập niên 1920 của thế kỷ trước với tên gọi “network marketing - tiếp thị theo mạng lưới”. Cho đến giờ này, nguồn gốc và tính đạo đức của hình thức này vẫn gây nên rất nhiều tranh luận, dù là ở các quốc gia có hệ thống pháp luật chặt chẽ và người tiêu dùng nhận thức cao, như Hoa Kỳ chẳng hạn. Xấu hay tốt còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tùy nhận thức và hệ thống pháp luật kiểm soát nó ra sao. Song rõ ràng ở một xã hội chưa nhận thức cao, môi trường kinh doanh và pháp luật chưa thực sự nề nếp, thì những hệ lụy mà kinh doanh đa cấp mang lại quá nhiều.

Kinh doanh đa cấp tại Việt Nam đa phần đánh vào chính lòng tham - mặt tối của tính cách con người. Và rõ ràng trong quan niệm nhiều người, đây là một “lối chơi không đẹp”. Chưa bàn đến chất lượng sản phẩm, vì thực tế một số mặt hàng của các công ty bán hàng đa cấp vẫn được đánh giá khá cao về chất lượng. Điều đáng nói là cách mà các mạng lưới tuyển người bán hàng, nhồi vào đầu họ triết lý kinh doanh dựa trên tham vọng làm giàu mà không cần tri thức hay vốn liếng… Không chỉ Liên Kết Việt, nhiều công ty bán hàng đa cấp khác tại Việt Nam đã và đang áp dụng hình thức đánh vào lòng tham và ước muốn đổi đời của người tham gia mạng lưới.

Dư luận đang bất bình, trong đó có nhiều ý kiến yêu cầu cấm luôn hình thức kinh doanh này tại Việt Nam. Song, tư duy “không quản được thì cấm” cũng không nên bởi vẫn có nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp làm ăn tuân thủ theo pháp luật Việt Nam. Thay vào đó, mỗi người tiêu dùng hoặc người có ý định tham gia mô hình kinh doanh này cần nhận thức tốt hơn. Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) vừa đưa ra các cảnh báo quan trọng cho những người muốn tham gia mô hình này. Trong đó quan trọng nhất, dễ nhận thấy nhất là mọi hình thức thu tiền của người vào sau để trả hoa hồng cho người vào trước mà không qua giao dịch mua bán hàng hóa đều bị pháp luật nghiêm cấm. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, mức trần chi trả hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích khác cho nhà phân phối là 40% doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp. Vì vậy, mọi cam kết chi trả lớn hơn 40% đều vi phạm quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thứ cần tiết chế nhất, có lẽ chính là lòng tham của mỗi người, vì rõ ràng không lợi lộc hay thành quả kinh doanh nào dễ dàng đạt đến mà không cần vốn liếng hay tri thức.

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều