Báo Đồng Nai điện tử
En

Cuộc chiến bán lẻ

01:03, 29/03/2016

Tuần qua, thông tin nóng hổi trên lĩnh vực kinh tế là hệ thống siêu thị BigC tại Việt Nam sẽ được bán cho ai và bao nhiêu? Cho đến lúc này, thông tin công bố trên các báo chính thống cho thấy một số tập đoàn ngoại, như: Central Group, Lotte Group, Dairy Farm, Aeon... và nhà bán lẻ nội địa lớn nhất là Saigon Co.op vẫn đang trong cuộc đua để giành mua lại BigC.

Tuần qua, thông tin nóng hổi trên lĩnh vực kinh tế là hệ thống siêu thị BigC tại Việt Nam sẽ được bán cho ai và bao nhiêu? Cho đến lúc này, thông tin công bố trên các báo chính thống cho thấy một số tập đoàn ngoại, như: Central Group, Lotte Group, Dairy Farm, Aeon... và nhà bán lẻ nội địa lớn nhất là Saigon Co.op vẫn đang trong cuộc đua để giành mua lại BigC.

BigC Việt Nam có tiền thân là hệ thống siêu thị Cora, dưới sự quản lý của Tập đoàn Bourbon (Pháp) và mở siêu thị đầu tiên vào năm 1998 tại Đồng Nai với chi phí đầu tư hàng chục triệu USD. Năm 2003, siêu thị chính thức được mang tên BigC - thương hiệu thuộc sở hữu của Casino Group. Hiện hệ thống có 32 siêu thị trên toàn quốc cùng với 10 cửa hàng tiện lợi tại TP.Hồ Chí Minh và trang thương mại điện tử Cdiscount.vn. Điều đặc biệt là bất chấp kinh tế khó khăn, doanh thu của BigC được cho là đã tăng gấp nhiều lần qua hàng năm, kể từ khi mới ra mắt. Các đại siêu thị luôn chiếm những mặt bằng đắt giá tại các thành phố lớn.

Chưa rõ ai sẽ thắng trong thương vụ mua lại BigC, nhưng rõ ràng điều này đang nói lên thực tế: thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt hơn bao giờ hết, với rất nhiều tên tuổi trong và ngoài nước. Những nhà bán lẻ đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi số lượng nhà bán lẻ nội và ngoại ngày càng gia tăng. Hiện tại, hầu hết các tập đoàn lớn trên thế giới đều đã gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam, như: Lotte, Metro, Parkson, Aeon... và phát triển hệ thống của mình rất nhanh chóng. Trong khi ở khối nội địa, bên cạnh những tên tuổi quen thuộc, như: Saigon Co.op, Fivimart, Hapro... thì chỉ có một vài tên tuổi mới có tiềm lực mạnh như Vingroup.

Nhìn chung, bán lẻ hiện đại càng phát triển với càng nhiều ông chủ lớn, người tiêu dùng sẽ hưởng lợi. Nhưng bên cạnh đó, cần phải quan tâm đến việc hàng Việt Nam sẽ yếu thế hơn trong các kệ hàng khi những nhà bán lẻ đến từ Thái Lan, Nhật, Hoa Kỳ... mua lại những siêu thị sầm uất nhất. Quan sát ở một số siêu thị của nhà đầu tư Nhật Bản hay Thái Lan, dễ dàng nhận thấy hàng Thái và hàng Nhật chiếm khá nhiều trên các kệ hàng. Những con số thống kê đầy “tự tin” về tỷ lệ hàng Việt chiếm 90-95% tại các siêu thị ngày càng trở nên thiếu thuyết phục hơn trước, khi bản thân những nhà bán lẻ trong nước chưa chắc đã ưu tiên hàng Việt nếu nhu cầu của người tiêu dùng là hàng Thái, hàng Nhật với giá phải chăng và uy tín lớn hơn. Đi kèm với đó là sự khó khăn của những doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam còn non trẻ về cả kinh nghiệm sản xuất lẫn kỹ năng bán hàng, thậm chí nhiều người đã dự đoán một tương lai đầy thách thức cho doanh nghiệp nội khi các hiệp định thương mại song phương - đa phương chính thức có hiệu lực. Luật chơi là của chung, hàng Việt cũng có đủ “quyền” để tràn vào các thị trường khác giống như hàng Thái đã và đang làm hiện tại, song nội lực chưa vững thì điều này thật khó.

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều