Những vụ việc liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm gây bức xúc dư luận trước Tết Nguyên đán chưa lắng xuống, thì sau tết không bao lâu hàng loạt những sai phạm trên lĩnh vực này được phát hiện lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng của người dân khi ăn phải nguồn thực phẩm bẩn.
Những vụ việc liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm gây bức xúc dư luận trước Tết Nguyên đán chưa lắng xuống, thì sau tết không bao lâu hàng loạt những sai phạm trên lĩnh vực này được phát hiện lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng của người dân khi ăn phải nguồn thực phẩm bẩn.
Hình ảnh những giỏ ruốc trên bờ biển Phú Yên được nhuộm đỏ hóa chất, hay những con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi đưa đi mổ ở Bình Dương làm nhiều người rùng mình dù trước đó những thông tin tương tự không hiếm. Rùng mình bởi với những người thường xuyên thực hiện việc tẩm hóa chất hay tiêm thuốc an thần, đây là việc làm rất bình thường, diễn ra từ lâu và… không có gì phải áy náy. Sức khỏe, tính mạng của người ăn những loại thực phẩm bị nhiễm độc ra sao không cần quan tâm và lợi nhuận là điều duy nhất họ nghĩ tới khi thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật này.
Ngay trong phiên họp Chính phủ tháng 3, một lần nữa vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lại “nóng” lên khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng công tác phối hợp trên lĩnh vực này khá chặt chẽ, việc quản lý chất cấm, nguồn cung cấp chất cấm từ bên ngoài đã bị chặn đứng. Không đồng tình với ý kiến này, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Đinh La Thăng cho rằng, không thể nói phối hợp tốt mà người dân vẫn phải ăn bẩn được. Người dân đang phải ăn bẩn, bị đầu độc bởi nguồn thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, bị nhiễm chất bảo quản, chất gây nghiện, chất cấm… Và chuyện gì sẽ xảy ra với giống nòi trong vài năm tới khi phải tiếp tục ăn, uống trong lo lắng phập phồng?
Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực ngày 1-7-2016 tới đây với những quy định chặt chẽ, nghiêm khắc hơn đang được hy vọng sẽ “dập” được thói quen làm ăn vô đạo đức, tắc trách của những người sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực thực phẩm. Cụ thể, bất kỳ tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm theo danh mục do Bộ Y tế quy định như các chất tạo hương hoặc tạo vị như bột ngọt (mì chính),… thì đều bị phạt tù từ 2-5 năm. Hơn nữa, tùy theo từng trường hợp vi phạm cụ thể, khung hình phạt có thể tăng nặng lên từ 5-10 năm, 10-15 năm, 15-20 năm và cao nhất là mức án tù chung thân. Mức phạt tối đa với hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm theo Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm vừa được Chính phủ thông qua, có hiệu lực từ ngày 31-12-2015 cũng chỉ rõ mức phạt đối với cá nhân là 100 triệu đồng và tổ chức là 200 triệu thay vì 15 triệu như trước đây. Số tiền này có thể lên tới hàng tỷ đồng nếu tính nguy hại với xã hội lớn.
Luật đã sửa và sắp có hiệu lực. Nghị định đã chính thức được áp dụng. Tuy nhiên, việc thực hiện có nghiêm hay không phụ thuộc rất lớn vào lương tâm, trách nhiệm và đạo đức của lực lượng thực thi từ Trung ương tới địa phương.
Minh Ngọc