Báo Đồng Nai điện tử
En

Thời của khởi nghiệp

07:02, 16/02/2016

Chưa bao giờ, phong trào khởi nghiệp kinh doanh lại được nói đến nhiều tại Việt Nam như 1-2 năm qua. Từ truyền thông chính thống đến các mạng xã hội, các diễn đàn ngoài đời lẫn trực tuyến, những kinh nghiệm và kiến thức về chủ đề này được sẻ chia rất nhiều.

Chưa bao giờ, phong trào khởi nghiệp kinh doanh lại được nói đến nhiều tại Việt Nam như 1-2 năm qua. Từ truyền thông chính thống đến các mạng xã hội, các diễn đàn ngoài đời lẫn trực tuyến, những kinh nghiệm và kiến thức về chủ đề này được sẻ chia rất nhiều.

Điều đặc biệt nhất, tinh thần khởi nghiệp đang truyền đi rất nhanh giữa những người trẻ, được học hành nghiêm chỉnh và bài bản. Khởi nghiệp diễn ra trong nhiều ngành, từ sản xuất, dịch vụ, công nghệ thông tin, bán hàng trực tuyến… Điều này nói lên một điều: giới trẻ Việt Nam đã thực sự quan tâm đến việc bắt tay vào làm, và học làm chủ thông qua quá trình đó, thay vì học hành để kiếm mảnh bằng rồi “xin” việc. Có nhiều băn khoăn về việc đâu mới là tinh thần khởi nghiệp “đúng đắn”, nghĩa là khởi nghiệp có kiến thức và hiệu quả, chứ không phải theo phong trào để chứng tỏ bản thân. Tuy nhiên, có lẽ dù bắt đầu bằng mục đích nào, cơ sở ra sao, thì “làm” vẫn hay hơn là chỉ “nói”.

Nhìn rộng ra, tinh thần khởi nghiệp không phải là “đặc sản” của riêng ai. Những quốc gia, như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Israel... từ hàng chục, thậm chí hàng trăm năm nay vẫn công khai khuyến khích tinh thần và phong trào khởi nghiệp. Họ thậm chí còn xây dựng được những “hệ sinh thái” về chính sách, vốn liếng, kinh nghiệm sản xuất, đầu tư, bán hàng… để nuôi dưỡng những ý tưởng khởi nghiệp từ khi non nớt đến lúc trưởng thành.

Với Việt Nam, chưa thể đòi hỏi một môi trường hoàn hảo cho khởi nghiệp khi đất nước chỉ đổi mới được 30 năm và hàng loạt các chính sách lớn nhỏ, thậm chí Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp - nền tảng cho sự thành lập và hoạt động của doanh nghiệp - vẫn chưa hoàn thiện và liên tục cần thay đổi, bổ sung. Tuy nhiên, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp là điều mà Việt Nam cần làm, phải làm, thậm chí làm nhanh.

Trong bài phỏng vấn năm mới trên báo Lao Động, Trưởng ban Kinh tế Trung ương - GS.TS Vương Đình Huệ đã khẳng định, từ 2016 trọng tâm phải là khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trên quy mô quốc gia. Theo ông Huệ, hiện cả nước mới có hơn 500 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập. Việt Nam mong muốn cuối nhiệm kỳ này (năm 2020), số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lên được 2 triệu doanh nghiệp. Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam thậm chí còn kỳ vọng số này lên đến 5 triệu doanh nghiệp. Ông Huệ cho rằng, để khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp, việc đầu tiên cần làm là cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh…

Với tất cả những cố gắng, nỗ lực trong mấy năm qua, Việt Nam đã và đang dấn sâu vào sân chơi hội nhập. Hơn lúc nào hết, cần đến sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp về cả chiều rộng lẫn chiều sâu, trải ra nhiều ngành nghề, dịch vụ... Và không có cách nào khác hơn là cần khơi dậy, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của người dân, đặc biệt là những người trẻ. Có làm có sai sót, có bài học, song rất nhiều những thương hiệu toàn cầu hôm nay bắt nguồn từ những ý tưởng khởi nghiệp nhỏ bé được nuôi dưỡng trong những xưởng sản xuất hoặc căn hộ xuềnh xoàng, hoặc ngay trên chính mảnh vườn, trang trại mà cha ông để lại. Mong rằng ở tầm quốc gia, một “hệ sinh thái” cho những doanh nghiệp khởi nghiệp sớm được chú tâm hoàn thiện để nuôi dưỡng những doanh nghiệp lớn mạnh mai sau, từ những ý tưởng nhỏ bé của những người ôm giấc mơ làm chủ hôm nay.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều