Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghịch lý thực phẩm sạch

10:02, 22/02/2016

Đảo qua các trang mạng bán thực phẩm, có thể thấy thực phẩm sạch luôn là một nhu cầu nóng hổi. Rất nhiều người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cao hơn cho thực phẩm sạch khá nhiều so với thực phẩm cùng loại trên thị trường.

Đảo qua các trang mạng bán thực phẩm, có thể thấy thực phẩm sạch luôn là một nhu cầu nóng hổi. Rất nhiều người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cao hơn cho thực phẩm sạch khá nhiều so với thực phẩm cùng loại trên thị trường. Nắm bắt được nhu cầu, nhiều cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ đã tự điều chỉnh hướng sản xuất rau, củ, quả, nuôi cá, gà, vịt, heo... theo hướng trang trại hữu cơ và cung ứng theo nhu cầu với quy mô nhỏ và vừa. Một số loại thực phẩm chế biến dành cho nhu cầu hàng ngày: cá kho, thịt kho, chà bông, giò chả... cũng theo xu hướng chứng minh nguồn gốc sản xuất sạch để đáp ứng nhu cầu. Cao cấp hơn, nhiều người nhập thẳng các loại trái cây, thực phẩm từ các nước phát triển, như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu... về bán với cam kết hàng sạch 100%. Thị trường này càng lúc càng mở rộng với sự năng động của các trang mạng xã hội liên kết hàng chục ngàn người. Điều này càng chứng tỏ người tiêu dùng Việt đã quá lo sợ với thực phẩm bẩn và có nhu cầu cực lớn với hàng sạch, dù giá cao.

Tuy nhiên, một nghịch lý lớn lại diễn ra: rất nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư sản xuất rau sạch, thực phẩm sạch theo tiêu chuẩn lại phá sản hoặc thất bại. Tại Đồng Nai, không ít nông dân ban đầu chọn cách canh tác rau quả sạch, trứng, thịt sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, thậm chí vài nơi là GlobalGAP. Nhưng rồi không cạnh tranh nổi về giá với rau quả, thực phẩm bán tại chợ vì đầu tư công nghệ sạch bao giờ cũng tốn kém hơn nhiều, và họ từ bỏ. Một số người còn đeo bám, thường là những người rất tâm huyết và bản thân họ tự tìm tòi các kênh tiêu thụ riêng thông qua internet hoặc các cửa hàng nhỏ tại đô thị, dù lời lãi không quá lớn vì hầu hết đều khởi đầu bằng việc rao bán từng bó rau, con cá. Một số người bán rau quả, thực phẩm sạch tại Long Khánh, Long Thành, Vĩnh Cửu… cũng đã và đang tạo được uy tín trên các trang mạng xã hội, song công sức ban đầu là rất lớn: chi phí cho online marketing, chi phí tổ chức mời khách đến tham quan trang trại, chi phí thu hoạch và giao nhận với lượng đơn hàng thiếu ổn định... Mặc dù vậy, rất nhiều người vẫn đang cố gắng vì mục tiêu bán và dùng hàng sạch.

Song cũng cần nói, ở khía cạnh xác định thực phẩm được bán có sạch hay không, người bán và người mua đang xây dựng niềm tin lẫn nhau là chính. Họ gần như thiếu hẳn các phương pháp hoặc giấy tờ chứng minh độ sạch thật sự của những mặt hàng thực phẩm này. Ranh giới mong manh giữa lương tâm và lợi nhuận có thể dễ dàng bị phá vỡ khi các công cụ kiểm tra, kiểm soát và quản lý chưa làm tốt vai trò của chúng. Người tiêu dùng vẫn cố gắng tin, vẫn mua, vẫn khát khao thực phẩm sạch. Trong khi đó, người sản xuất và người bán lại mòn mỏi đối mặt với những khó khăn của riêng mình trong tiêu thụ. Nghịch lý lớn này chưa biết khi nào mới giải tỏa nổi, vì nó cần đến những chính sách thông minh, hiệu quả và hợp lý.

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều