Báo Đồng Nai điện tử
En

Băn khoăn của ông Tuyển

10:02, 03/02/2016

Những ngày đầu năm 2016, nhiều tờ báo đưa ý kiến của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển về tình hình kinh tế năm mới.

Những ngày đầu năm 2016, nhiều tờ báo đưa ý kiến của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển về tình hình kinh tế năm mới. Trong đó, nổi lên vẫn là những băn khoăn lớn về sự phát triển của khối doanh nghiệp (DN) tư nhân; tăng trưởng tín dụng có thể lại tiếp tục đổ vào các lĩnh vực nóng như bất động sản, nông nghiệp vẫn chưa phát triển nhanh như kỳ vọng.

Những băn khoăn của ông Tuyển đặt vào bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu, tình thế cạnh tranh ngày một rõ ràng hơn thông qua sự thành công trên bàn đàm phán của các hiệp định thương mại song phương, đa phương mà nổi bật nhất là TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương). Báo điện tử Vneconomy trích lời ông, cho rằng mặc dù nền kinh tế đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng với 6,8%, tuy nhiên mức tăng trưởng này lại không đến từ nội lực của nền kinh tế.

Ông Tuyển dẫn chứng: tốc độ tăng trưởng trong năm 2015 không phải từ kinh tế tư nhân mà từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài chiếm trên 50% giá trị công nghiệp và gần 70% xuất khẩu. Như vậy, động lực tạo ra giá trị bền vững cho đất nước không nằm ở nội lực của Việt Nam nên không vững chắc. Cũng theo đó, các nguyên nhân chính như: sự bành trướng của DN nhà nước, sự lớn mạnh của DN đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước trong DN tư nhân vẫn còn cao, phương thức quản lý thì không thay đổi... đã khiến khối DN tư nhân trong những năm qua mặc dù có tăng về số lượng, nhưng chưa thể tạo được nền tảng vững vàng cho kinh tế Việt Nam. Về tăng trưởng tín dụng, ông Tuyển lo lắng nếu không kiểm soát tốt, lại một lần nữa dòng vốn sẽ tăng trưởng nóng vào các lĩnh vực sinh lời nhanh nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, trong khi nợ xấu vẫn chưa thực sự được giải quyết từ gốc.

Và băn khoăn lớn nhất vẫn là sự phát triển tràn lan, chậm chạp của nông nghiệp - ngành kinh tế vốn được xem là cốt lõi, nền tảng của Việt Nam từ nhiều năm qua. Nông nghiệp đã và đang bị cạnh tranh rất gay gắt trên chính sân nhà. Cụ thể, Cộng đồng kinh tế ASEAN đã hình thành, các DN Thái Lan hiện đã mua nhiều cơ sở phân phối của Việt Nam, chuyển hàng từ Thái Lan sang Việt Nam bán. Theo đó, vốn dĩ năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan. Trên tầm khu vực, hàng Việt chưa thể so với hàng Thái, và chỉ vài năm nữa thôi, sân nhà Việt Nam có thể sẽ nhanh chóng chuyển thành sân chơi của hàng Thái, bắt đầu từ sản phẩm nông nghiệp.

Từng trao đổi với Báo Đồng Nai về việc Việt Nam phải làm gì khi các hiệp định thương mại đi vào hiện thực, ông Tuyển nhấn mạnh điều quan trọng nhất là Việt Nam buộc phải đẩy nhanh tái cơ cấu: tái cơ cấu DN, tái cơ cấu các ngành sản xuất, (gồm: tái cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ), tái cơ cấu đầu tư. Trong đó, về phía DN không chỉ cần tái cơ cấu DN nhà nước, mà còn phải tái cơ cấu DN ngoài nhà nước. DN nào nắm khoa học - công nghệ, nắm thị trường thì thắng thế. Sự đổi mới khoa học công nghệ và sự phát triển của thị trường làm dịch chuyển lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh giữa các DN, buộc DN phải tái cơ cấu. Chỉ có tái cơ cấu, DN mới đủ mạnh để cạnh tranh và có thêm lợi thế khi gia nhập các hiệp định song và đa phương.

Vi Lâm

 

 

 

Tin xem nhiều