Hiện nay, toàn tỉnh đã có 624/809 trường học từ mầm non đến THPT có nhân viên y tế trường học, chiếm trên 77%. Qua đó cho thấy mạng lưới chuyên trách làm công tác y tế học đường ngày càng được quan tâm và củng cố. Tuy nhiên, chất lượng của đội ngũ này vẫn còn nhiều điều đáng quan tâm.
Hiện nay, toàn tỉnh đã có 624/809 trường học từ mầm non đến THPT có nhân viên y tế trường học, chiếm trên 77%. Qua đó cho thấy mạng lưới chuyên trách làm công tác y tế học đường ngày càng được quan tâm và củng cố. Tuy nhiên, chất lượng của đội ngũ này vẫn còn nhiều điều đáng quan tâm.
Trong thực tế, vẫn còn nhiều trường học chưa có nhân viên y tế đạt chuẩn (tối thiểu là trung cấp y) phụ trách y tế trường học mà tuyển dụng cả hộ lý, dược sĩ trung cấp, sơ cấp. Thậm chí có trường giao mảng y tế cho... nhân viên kế toán, giáo viên tổng phụ trách... Do đó kinh nghiệm và trình độ nghiệp vụ về y tế trường học của nhân viên còn hạn chế nên việc triển khai các hoạt động còn gặp nhiều khó khăn.
Bác sĩ Trần Trung Thuận, cán bộ phụ trách công tác y tế y trường học của Sở GD-ĐT, cho biết việc tuyển dụng nhân sự cho y tế trường học rất khó khăn. Theo quy định, nhân viên y tế trường học tối thiểu phải có bằng trung cấp y sĩ nhưng do không tuyển dụng được nhân sự nên trong thời gian qua, Sở Nội vụ đã chấp thuận cho các trường tuyển dụng cả dược tá, dược trung, điều dưỡng vào vị trí này. Thế nhưng mới đây, Chính phủ có văn bản đề nghị tạm dừng tuyển viên chức chuyên trách công tác y tế, tài chính kế toán tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập nên nhiều trường không tuyển được nhân viên y tế, dẫn đến công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh gặp nhiều khó khăn, nhất là việc khám, sàng lọc các bệnh học đường như: cận thị, cong vẹo cột sống...
Đơn cử như Trường tiểu học Phù Đổng (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), cách đây 2 năm, nhân viên y tế của trường nghỉ việc vì thu nhập quá thấp (chưa đến 2 triệu đồng/tháng). Vào thời điểm đó, ngành giáo dục có quy định những trường loại 3 (dưới 18 lớp), không có biên chế phụ trách y tế, nên nhà trường giao cho nhân viên kế toán hoặc giáo viên tổng phụ trách kiêm nhiệm công tác y tế trường học. Do không có nhân viên y tế nên dù nhà trường có tủ thuốc nhưng chỉ trang bị cho có chứ hầu như không sử dụng, thuốc hết hạn lại bỏ đi. Khi học sinh bị té ngã chỉ còn cách chở đi cấp cứu ở trạm xá hoặc bệnh viện gần nhất.
Kinh phí cho công tác y tế trường học hiện đang rất khó khăn, chủ yếu dựa vào nguồn bảo hiểm y tế. Nhưng trên thực tế, nhiều trường không nhận được nguồn kinh phí trích lại 7% tổng số tiền học sinh đóng BHYT để chi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Nguyên nhân do Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014 quy định, chỉ cấp kinh phí này cho các trường có phòng y tế và có nhân viên chuyên trách có trình độ tối thiểu là trung cấp y. Trong khi đó, nhiều trường học trong tỉnh có nhân viên chuyên trách y tế nhưng không đạt yêu cầu những quy định và cũng còn một số trường vì lý do khách quan không có chuyên trách y tế.
Đặng Ngọc