Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi thương hiệu bị đổi chủ

11:09, 07/09/2015

Nối tiếp sau Bibica, Vinacafé và Đại Á Ngân hàng, một thương hiệu khác từng là niềm tự hào lớn của Đồng Nai đã chính thức đổi chủ: thức ăn chăn nuôi Proconco mà bà con nông dân Đồng Nai lâu nay hay gọi là "cám con cò".

Nối tiếp sau Bibica, Vinacafé và Đại Á Ngân hàng, một thương hiệu khác từng là niềm tự hào lớn của Đồng Nai đã chính thức đổi chủ: thức ăn chăn nuôi Proconco mà bà con nông dân Đồng Nai lâu nay hay gọi là “cám con cò”.

Theo đó, tháng 4-2015, Tập đoàn Masan tuyên bố đã nắm quyền chi phối 52% cổ phần tại Proconco. Hiện tại, theo thông tin một số báo đã đưa, Masan sẽ tiến hành mua lại hơn 17% cổ phần từ Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) và trở thành chủ thực sự của Proconco khi có quyền quyết định mọi đường hướng chiến lược phát triển của Proconco trong những năm sắp tới. Theo đó, Proconco có thể sẽ bắt tay cùng Công ty cổ phần dinh dưỡng nông nghiệp Quốc tế (Anco) - một doanh nghiệp lớn khác trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi có nhà máy tại Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom) cũng đã được Masan mua lại để phát triển theo mô hình 3F (Feed - Farm - Food). 3F là mô hình “trọn gói” gồm sản xuất thức ăn chăn nuôi - phát triển hệ thống trang trại và chế biến phân phối thực phẩm, mà các tập đoàn lớn như C.P, Japfa áp dụng thành công tại Việt Nam nhiều năm qua. Hiện tại, nhiều cổ đông lớn cũ của Proconco đang khá lo lắng trước thông tin Masan sẽ không chia cổ tức trong 5 năm tới để dồn sức đầu tư cho mô hình 3F, mặc dù đến nay Masan hầu như chưa chính thức xác nhận điều gì.

Nhìn lại những thương vụ mua bán doanh nghiệp, có rất nhiều “nỗi niềm” xung quanh việc những nhãn hiệu danh tiếng lâu năm “đổi chủ”. Có thương hiệu phất lên thấy rõ nhờ mạng lưới phân phối rộng và trình độ marketing chuyên nghiệp, có thương hiệu hoàn toàn bị xóa tên, có thương hiệu liên tục xuất hiện trên mặt báo “nhờ” những tranh luận không đồng thuận giữa “chủ cũ” và “chủ mới”. Tuy nhiên, phải thừa nhận là một khi đổi chủ, dù có ngậm ngùi đến đâu thì cuộc chơi cũng đã khác đi, mọi đường hướng chiến lược của những “khai quốc công thần” sáng lập nên thương hiệu đó, đôi khi là “linh hồn” của chính thương hiệu đó cũng sẽ thay đổi, dù ít dù nhiều.

Không riêng gì Đồng Nai, nhiều nhãn hiệu nổi tiếng khác của những tỉnh, thành khác cũng đã được bán lại cho những tập đoàn lớn trong nước hoặc nước ngoài. Nhiều nhận định cho rằng các thương vụ mua bán doanh nghiệp, đặc biệt là những thương hiệu đã có quá trình phát triển lâu đời tại Việt Nam, sẽ diễn ra ngày một nhiều hơn trong thời gian sắp tới. Chưa thể nói trước điều này là tốt hay xấu vì “sự sống” của những thương hiệu đó còn tùy thuộc tiềm lực và mong muốn của chủ sở hữu mới. Điều mong đợi là người lao động vẫn giữ được việc làm, thương hiệu không bị mai một đi và sức cạnh tranh tăng lên - đặc biệt với những thương hiệu đã được các tập đoàn trong nước mua lại.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều