Đô thị Biên Hòa có khá nhiều công trình kiến trúc, di tích, song chưa được nhiều người biết đến. Theo các nhà chuyên môn, các công trình này rất giá trị và cần được quan tâm hơn.
Đô thị Biên Hòa có khá nhiều công trình kiến trúc, di tích, song chưa được nhiều người biết đến. Theo các nhà chuyên môn, các công trình này rất giá trị và cần được quan tâm hơn. Mới đây, 2 kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Dũng và Đỗ Thiện Nhã (thuộc Hội Kiến trúc sư Đồng Nai) cũng đã có một nghiên cứu về việc bảo tồn và phát triển kiến trúc - di sản TP.Biên Hòa. Nghiên cứu này cũng chỉ ra sự cần thiết của việc bảo tồn các công trình kiến trúc, di tích tại thành phố hiện nay.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Dũng, việc thiết lập một bản đồ về di sản cho toàn bộ TP.Biên Hòa là cần thiết, bao gồm cả việc thể hiện chính xác các vị trí tọa độ các khu vực di tích, các phạm vi bảo vệ. Đồng thời cần ban hành các quy định, hướng dẫn việc thực hiện khai thác tôn tạo gìn giữ môi trường cảnh quan di tích và các khu lân cận. “Không có bản đồ thì rất khó nhận diện được các công trình. Hiện nay Biên Hòa có khoảng 100 ngôi nhà ở truyền thống được thiết kế xây dựng với kiến trúc và vật liệu mang giá trị cao về tính kỹ thuật cũng như nghệ thuật xây dựng với đường nét trang trí, tạo hình vào thời điểm cách đây trên dưới 100 năm. Không có bản đồ, hầu như mọi người không biết các ngôi nhà này ở đâu” - ông Dũng nói. Không chỉ riêng các ngôi nhà cổ mà nhiều công trình khác cũng vậy. Kiến trúc sư Đỗ Thiện Nhã cho rằng, cả tỉnh có khoảng 40 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh thì TP.Biên Hòa đã chiếm hơn một nửa. Các loại hình di tích khá phong phú, như: di tích khảo cổ, di tích lịch sử, di tích kiến trúc, di tích truyền thống đấu tranh cách mạng và danh lam thắng cảnh. Đây cũng là một lợi thế của Biên Hòa. Theo ý kiến của các nhà chuyên môn, để giữ lại được những ký ức qua các thời kỳ phát triển thì cần phải thực hiện việc bảo tồn một cách căn bản, có quy hoạch tổng thể và xác định rõ những khu vực cần bảo tồn để hạn chế tình trạng biến mất của di tích.
Theo quy hoạch phát triển của TP.Biên Hòa, thành phố sau này sẽ hướng nhiều vào tính văn hóa - sinh thái, bởi Biên Hòa có giá trị lợi thế đặc trưng về văn hóa lịch sử và cảnh quan, môi trường sông nước. Cũng chính vì vậy, các nhà quy hoạch lưu ý Biên Hòa cần đi theo hướng phát triển thành một thành phố có môi trường sống tốt để tăng năng lực cạnh tranh với các đô thị khác. Là một đô thị đặc trưng văn hóa lịch sử thì việc bảo tồn các di tích càng trở nên cấp thiết. Kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ, các công trình kiến trúc di tích của Biên Hòa hoàn toàn có thể kết nối để trở thành những điểm tham quan du lịch. Để kết nối du lịch hiệu quả thì các di tích phải được quan tâm đúng mức, trong khi đó hiện nay các công trình kiến trúc, di tích có nhiều nhưng còn khá mờ nhạt đối với ngành du lịch. Ông Dũng trăn trở: “Một thực tế, khi khách đến Biên Hòa tham quan những gì hiện nay ngoài khu Văn miếu Trấn Biên và Bửu Long thì các di tích khác ít được mọi người biết đến. Đây là điểm rất yếu của ngành du lịch”.
Về công tác bảo tồn và phát triển các di tích của Biên Hòa, có những địa danh trong tương lai cũng cần hết sức lưu ý như: Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (khi chuyển đổi thành đô thị) hay Tổng kho Long Bình. Đây là những địa danh gắn liền với các giai đoạn lịch sử mang rất đậm dấu ấn của TP.Biên Hòa.
Vân Nam