Báo Đồng Nai điện tử
En

Mộng phù vân

09:08, 17/08/2015

Video clip mà Đài Truyền hình Việt Nam phỏng vấn "một chuyên gia đa cấp" cấp cao gần đây, đã làm dấy lên một làn sóng bình luận và chỉ trích khắp nơi, từ báo chí chính thống đến các diễn đàn và mạng xã hội.

Video clip mà Đài Truyền hình Việt Nam phỏng vấn “một chuyên gia đa cấp” cấp cao gần đây, đã làm dấy lên một làn sóng bình luận và chỉ trích khắp nơi, từ báo chí chính thống đến các diễn đàn và mạng xã hội.

Thực tế, chẳng có gì bất ngờ hay khác biệt ngoài việc những thông tin và giọng điệu của một “chuyên gia đa cấp” gần như lần đầu tiên được khẳng định theo kiểu ba mặt một lời trên sóng truyền hình. Trước đó, đã có hàng loạt phóng sự, chia sẻ, điều tra, tìm hiểu về các dạng bán hàng đa cấp tại Việt Nam, và về việc chúng đã hủy hoại những người tham gia đến mức nào.

Bán hàng đa cấp đã vào Việt Nam mấy chục năm, bán đủ thứ, từ hóa mỹ phẩm đến thực phẩm chức năng, từ tour du lịch đến thẻ internet, thẻ học viên, tên miền... Và không thể “vơ đũa cả nắm” khi cho rằng tất cả các công ty kinh doanh đa cấp đều là “lừa đảo”. Xét một khía cạnh khác, cha đẻ của dạng bán hàng này có thể được xem là đã sáng tạo và vận hành thành công phương pháp bán hàng và kiếm thu nhập dựa trên lòng tham, sự cả tin và tham vọng vươn lên của mỗi người - những điều thuộc về “mặt tối” mà hầu như con người nào cũng có.

Những ai có kiến thức và thời gian tìm hiểu cách mà một công ty bán hàng đa cấp vận hành, sẽ nhận ra 2 điều: một là có rất ít công ty có thị trường thực sự, thị trường của họ chính là những người tham gia mạng lưới để trở thành người tư vấn/bán hàng (hoặc người thân của những người bán hàng); và thứ hai, bán hàng đa cấp phá hủy dần dần và gần như toàn bộ các mối quan hệ xung quanh người bán hàng. Thực tế, ngay cả bạn bè và người thân cũng không ai muốn giữ quan hệ với một người luôn luôn chăm chăm tận dụng quan hệ và bán cho bạn những món hàng mà bạn chẳng muốn dùng, tất cả các cuộc trò chuyện đều xoay quanh việc mời bạn mua hàng, lôi kéo bạn tham gia mạng lưới với những suy nghĩ điên rồ nhất về chuyện làm giàu. Kịch bản phổ biến nhất của những người bán hàng đa cấp là: nghe rỉ tai về việc kiếm tiền dễ - mua hàng - tham gia mạng lưới - thuyết phục người thân mua hàng/tham gia - hết quan hệ - rút khỏi mạng lưới trong tình trạng mất tiền và cô độc do các quan hệ đã bị tổn thương do quá trình bán hàng. “Tiền hết, tình không” là điều dễ thấy với những người đã từng tham gia và thất bại trong cách làm giàu này.

Rõ ràng các công ty bán hàng đa cấp đã chơi không đẹp khi lợi dụng những mặt tối của mỗi con người để trục lợi: sự tham lam, lười lao động, lòng cả tin, sĩ diện... Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, tại sao mô hình này lại thành công và tăng trưởng lớn ở những thị trường mới nổi về kinh tế, hoặc ở các nước đang phát triển? Sẽ mất nhiều thời gian và nghiên cứu để lý giải rốt ráo vấn đề. Tuy nhiên, kiến thức và giáo dục có vai trò khá lớn trong việc “bảo vệ” con người trước những thứ “ăn mòn” siêu tinh vi của thời hiện đại, mà bán hàng đa cấp là một ví dụ. Yêu lao động, tự trọng, trung thực, hạn chế tư duy làm giàu theo kiểu nhàn nhã, ăn không ngồi rồi vẫn có tiền xài... là những thứ cốt lõi mà mỗi người cần được tiếp nhận từ giáo dục gia đình và xã hội, nhằm hạn chế bớt những cơn say tiền bạc, những cơn “mộng phù vân” mà hậu quả của nó là mất tiền và hủy hoại những mối quan hệ quan trọng trong cuộc đời của họ, biến họ thành những kẻ thất bại cô đơn.

Kim Ngân

 

Tin xem nhiều