Theo Nghị định 42 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, các vùng đất trồng lúa không được chuyển đổi mục đích sử dụng.
Theo Nghị định 42 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, các vùng đất trồng lúa không được chuyển đổi mục đích sử dụng. Điều này đang gây nhiều khó khăn cho nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong việc chuyển đổi các vùng trồng lúa một vụ không hiệu quả sang phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp khác.
Vì vậy mà nhiều năm nay, nông dân trồng lúa tại xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) liên tục kiến nghị chính quyền địa phương được chuyển đổi diện tích lúa một vụ đang gặp khó khăn về nguồn nước tưới sang trồng cây bưởi và những cây nông nghiệp khác phù hợp với điều kiện đất sản xuất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Một nông dân tại xã Tân Bình cho biết, ở khu vực này có hàng chục hécta đất lúa chỉ trồng được một vụ. Nguồn nước ở khu vực này không đáp ứng được nhu cầu sản xuất lúa nước, mấy năm nay thời tiết thất thường nên năng suất rất kém, chỉ từ 1-1,5 tấn/hécta. Vùng đất này nếu được cải tạo thì rất phù hợp để phát triển cây bưởi, giống cây trồng đang đứng tốp đầu về cho thu nhập cao tại địa phương. Nông dân nhiều lần kiến nghị địa phương được chuyển đổi sang trồng cây bưởi, nhưng vẫn chưa được vì đây là quy định của Chính phủ. Hiện nay, một số người “lén” chuyển đổi sang trồng bưởi, trồng tràm nhưng có hộ bỏ đất trống vì e ngại vi phạm nên không dám mạnh dạn đầu tư vốn lớn để chuyển đổi cây trồng.
Tương tự, nông dân trồng lúa tại xã Phú Điền (huyện Tân Phú) đang vào vụ thu hoạch hè - thu. Giá lúa bán tại ruộng chỉ khoảng 4.600 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân hầu như không có lời. Ở khu vực này có hàng trăm hécta lúa nằm ở thượng nguồn sông La Ngà chỉ làm được một vụ/năm, các vụ khác nông dân phải bơm nước từ sông vào, mất thêm chi phí nên càng không có lợi nhuận.
Quy định giữ đất lúa không chỉ gây khó khăn cho nông dân ở các vùng đất chuyên phát triển cây lúa nước, mà người chăn nuôi thuộc vùng quy hoạch chăn nuôi cũng gặp phải. Ông Lâm Thanh Đức, chủ trang trại chăn nuôi tại huyện Xuân Lộc, bức xúc: “Tôi đang triển khai dự án chăn nuôi gà đẻ trứng với vốn đầu cả trăm tỷ đồng. Tôi tự thỏa thuận mua đất của dân, trong đó có hơn 1 hécta đất lúa và tin tưởng khu vực này thuộc quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung của tỉnh nên tôi vẫn mạnh dạn đầu tư. Nhưng khi làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tôi rất lo lắng vì hiện diện tích đất này chưa thể chuyển đổi do vướng quy định giữ đất lúa của Chính phủ. Tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng do đây là quy định của Chính phủ nên nằm ngoài khả năng giải quyết của địa phương”.
Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Cửu, xã Tân Bình hiện có trên 857 hécta đất nông nghiệp. Trong đó, hơn 359 hécta đất trồng bưởi, 282 hécta đất trồng lúa. Trong đó, có khoảng 30 hécta lúa chỉ làm được một vụ do khó khăn về nước tưới, hiệu quả kinh tế thấp nên nông dân rất bức xúc, mong được chuyển đổi sang trồng cây bưởi. Huyện cũng đã xây dựng dự án phát triển vùng chuyên canh bưởi tại 3 xã: Tân Bình, Bình Lợi, Tân An với tổng diện tích trồng mới là 205 hécta. Địa phương rất mong được hỗ trợ gỡ khó về mặt chính sách để nông dân trên địa bàn huyện phát triển kinh tế, tăng thu nhập với cây trồng mới hiệu quả hơn.
Lê Quyên