Báo Đồng Nai điện tử
En

Ai "bán" thông tin?

09:08, 11/08/2015

Chắc hẳn những ai dùng điện thoại di động tại Việt Nam cũng từng trải qua cảm giác bực bội, khó chịu khi đang làm việc, họp hành, đi đường… thì nhận được cuộc gọi: "Em chào anh/chị, em ở công ty bảo hiểm A, ngân hàng B, công ty bất động sản C… và đang muốn đem tới cho anh/chị một cơ hội đầu tư…".

 

Chắc hẳn những ai dùng điện thoại di động tại Việt Nam cũng từng trải qua cảm giác bực bội, khó chịu khi đang làm việc, họp hành, đi đường… thì nhận được cuộc gọi: “Em chào anh/chị, em ở công ty bảo hiểm A, ngân hàng B, công ty bất động sản C… và đang muốn đem tới cho anh/chị một cơ hội đầu tư…”.

Riêng tin nhắn rác, mỗi ngày mỗi thuê bao có thể nhận đến cả chục tin: mời dự hội thảo, thông báo cơ hội trúng thưởng, mời vay tiêu dùng, mời mua bảo hiểm, mời nhập học, mời đăng ký tập thể dục dài hạn…

Người tiêu dùng nhiều lần đặt câu hỏi về tính bảo mật của thông tin đăng ký thuê bao mà họ đã được cam kết khi chấp hành Thông tư 04 của Bộ Thông tin - truyền thông vào năm 2012 về đăng ký thông tin cho thuê bao trả trước. Tuy nhiên, chưa bao giờ có câu trả lời thỏa đáng. Đại diện Vinaphone có lần khẳng định chưa khi nào cung cấp hệ thống thông tin cá nhân cho doanh nghiệp khác và cũng có luật bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng mình nghiêm chỉnh. Tuy vậy, nhiều người tiêu dùng dễ dàng nhận ra lỗ hổng nếu họ đang dùng điện thoại do người thân đứng tên. Các hãng bảo hiểm, công ty cho vay tài chính hẳn phải có trong tay thông tin thuê bao chi tiết mới biết và xưng hô bằng tên chủ thuê bao chứ không phải tên người sử dụng trực tiếp.

Không loại trừ một nguyên nhân khác, là hàng ngày khi thực hiện các giao dịch buộc phải cung cấp thông tin để thuận tiện như các giao dịch với ngân hàng, dự án bất động sản, tham gia các chương trình khuyến mãi, mua bảo hiểm nhân thọ... thì người tiêu dùng vô tình để lại dấu vết thông tin trên nhiều phương tiện và một số doanh nghiệp lợi dụng điều này để bán kho dữ liệu mà họ có. Tuy nhiên, con số này không thể chiếm tất cả trong hàng chục triệu thuê bao đủ các mạng hàng ngày vẫn phải nhận đầy các cuộc gọi và tin nhắn rác.

Vấn đề bảo vệ các thông tin khách hàng đều đã được cụ thể trong các văn bản luật, trong đó quy định tại Điều 226 Bộ luật Dân sự; tại Điều 66 Nghị định số 174/2013/CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Ba năm trước, khi thực thi Thông tư 04, Bộ Thông tin - truyền thông cũng cam kết sẽ bảo mật nghiêm chỉnh thông tin khách hàng, không tiết lộ cho bất cứ bên thứ 3 nào ngoài chính bản thân khách hàng và nhà mạng (hiển nhiên biết). Tuy nhiên, thực tế không diễn ra như vậy, và đến hiện tại các cuộc gọi và tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo hàng ngày đang thực sự làm phiền những người bỏ tiền dùng dịch vụ.

Không một nhà mạng nào thừa nhận chuyện tiết lộ một cách chủ động hay làm rò rỉ thông tin một cách thụ động, song khách hàng mạng nào cũng liên tục bị làm phiền ngày này qua ngày khác với một một độ dày hơn. Đây cũng là điều mà cơ quan quản lý chuyên ngành cần tham gia và xử lý nghiêm.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều