Ngay sau khi kết thúc năm học 2014-2015 được 3 tuần, học sinh từ tiểu học đến THPT đã lập tức "lao" vào những lớp học thêm, một mặt để củng cố, nâng cao kiến thức, thi đua với bạn bè, một mặt để cha mẹ yên tâm đi làm.
Ngay sau khi kết thúc năm học 2014-2015 được 3 tuần, học sinh từ tiểu học đến THPT đã lập tức “lao” vào những lớp học thêm, một mặt để củng cố, nâng cao kiến thức, thi đua với bạn bè, một mặt để cha mẹ yên tâm đi làm.
Có những em đã bị “đánh cắp” mùa hè bởi lịch học thêm dày đặc. Hết học văn hóa ở nhà thầy cô đến học thêm tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ rồi “chạy sô” đi học năng khiếu. Học sinh tiểu học có thể học nhiều môn ở nhà một giáo viên, nhưng với học sinh THCS các em phải học thêm cùng lúc nhiều môn với nhiều giáo viên. Một phụ huynh tâm sự, cả ngày chị chỉ có lo ở nhà cơm nước rồi đón con đi đến nhà cô giáo này, hết ca học lại đến chở con đến nhà thầy giáo khác. Hơn 1 tháng rưỡi hè trôi qua, mẹ con chị chưa có thời gian rảnh để đi chơi như hè nhiều năm trước đây, chỉ quẩn quanh bên việc học của con bởi năm sau cháu lên lớp 9, phải ráng học để còn dự thi vào lớp 10.
Một giáo viên dạy ở một trường THCS có tiếng ở TP.Biên Hòa chia sẻ: “Nhìn lịch học thêm của học sinh mà thấy thương cho các em. Các em phải học thêm quá nhiều. Ngoài thời gian học tập tại trường, học thêm trong năm học, các em còn phải tranh thủ học thêm ở nhà thầy cô vào dịp hè, đến nỗi không có thời gian để vui chơi, giải trí, học kỹ năng sống”. Giáo viên này cũng cho hay: “Không biết ở nhà cha mẹ có dạy các em những kỹ năng đơn giản cần thiết hay không, nhưng trong một giờ thực hành lớp 8, tôi gọi các em lên bật hộp quẹt lấy lửa để làm thí nghiệm thì có tới 7 em trong lớp không biết cách bật thế nào”.
Việc học sinh phải học thêm quá nhiều do áp lực từ nhiều phía. Trước tiên là do giáo viên dạy trên lớp, tiếp đến là áp lực từ gia đình và xã hội. Một giáo viên THPT lý giải: “Ở trên lớp, khi ra đề kiểm tra, nhiều giáo viên thường lồng vào đó những câu hỏi rất hóc búa mà nếu như không đi học thêm thì nhiều học sinh không thể làm được. Sau vài lần như vậy, học sinh dù không muốn cũng vẫn phải đi học thêm vì điểm số và kiến thức”.
Chính những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại các trường phổ thông cũng lo ngại tình trạng không ít giáo viên ngày nay đã giảm dần sự nhiệt huyết, chưa thật sự tận tâm với học trò. Nhiều người chỉ quan tâm đến việc giảng dạy trên lớp xong rồi về nhà để dạy thêm chứ ít khi quan tâm giáo dục học sinh về lý tưởng sống, những kỹ năng cần có trong giao tiếp, ứng xử với bạn bè, thầy cô và những người xung quanh. Học sinh cũng cuồng quay với lịch học chính, học thêm từ sáng sớm đến tối khuya nên không có thời gian để trau dồi, học hỏi những kiến thức, kỹ năng sống, nên việc có tới 7 học sinh đã học lớp 8 nhưng không biết bật hộp quẹt cũng là điều dễ hiểu.
Theo thông báo của Bộ GD-ĐT, năm học 2015-2016, học sinh cả nước tựu trường sớm nhất vào ngày 1-8-2015. Ở Đồng Nai, bậc THCS và THPT tựu trường sớm nhất vào ngày 3-8. Như vậy, mùa hè của học sinh đã bị rút ngắn xuống gần 1 tháng so với trước đây. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều học sinh không còn biết đến mùa hè là gì.
An Yên