Nhiều người tiêu dùng sẵn sàng bỏ 15 triệu đồng để mua một chiếc điện thoại nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, trong khi quyết không bỏ 10 triệu đồng để mua một chiếc điện thoại trong nước tương tự về chức năng, dù nhà sản xuất có đứng ra bảo đảm đến đâu đi chăng nữa.
Nhiều người tiêu dùng sẵn sàng bỏ 15 triệu đồng để mua một chiếc điện thoại nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, trong khi quyết không bỏ 10 triệu đồng để mua một chiếc điện thoại trong nước tương tự về chức năng, dù nhà sản xuất có đứng ra bảo đảm đến đâu đi chăng nữa. Cũng như vậy, họ chấp nhận bỏ gấp đôi số tiền để mua sữa, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo thời trang nhập từ nước ngoài... mà không muốn mua mặt hàng tương tự do Việt Nam sản xuất, bất kể nhà sản xuất cam kết ra sao.
Trong câu chuyện với một nhà sản xuất hàng tiêu dùng có tiếng tại Việt Nam, người viết từng đặt ra câu hỏi: “Nguyên nhân lớn nhất khiến người tiêu dùng vẫn lựa chọn hàng ngoại ở những mặt hàng phổ thông, không quá đòi hỏi kỹ thuật cao trong sản xuất, là gì? Là do có khác biệt quá lớn giữa trình độ sản xuất giữa các doanh nghiệp, do chuẩn của các thị trường khác đặt ra cho hàng hóa tốt hơn Việt Nam hay do lòng tin?”. Nhà sản xuất này trả lời: mỗi thứ một ít. Theo đó, sự khác biệt giữa trình độ và công nghệ sản xuất của doanh nghiệp trong và ngoài nước cho những mặt hàng phổ thông (không phải hàng cao cấp) hầu như tương tự nhau, thậm chí nhiều doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn đầu tư những dây chuyền sản xuất hiện đại nhất từ châu Âu hay Nhật Bản. Về các tiêu chuẩn mà thị trường đặt ra thì đúng là cũng có khác biệt, nhưng không quá lớn, đặc biệt ở những thị trường lân cận, như: Thái Lan, Malaysia... Vấn đề lớn nhất là sự tín nhiệm của người tiêu dùng dành cho hàng trong nước vẫn chưa cao, dù họ cũng đã chi tiêu nhiều cho các hoạt động marketing, quảng cáo, hậu mãi…
Nhưng đặt câu hỏi ngược lại, vì sao nhiều người tiêu dùng vẫn chưa tín nhiệm hàng nội? Bên cạnh những nguyên nhân khác, cũng cần nhìn nhận một lý do lớn khiến nhiều người mua ngại ngần trước sự cam kết của nhà sản xuất trong nước. Đó là sự mất lòng tin nói chung của toàn xã hội thông qua những vụ việc tiêu cực, dẫn đến sụt giảm sự tín nhiệm lên hàng hóa. Những sự cố, như: sử dụng hóa chất bảo quản gây hại, nhập khẩu nguyên liệu không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng nguyên liệu quá hạn, nguyên liệu có hại cho sức khỏe người tiêu dùng… Nói những điều này hoàn toàn là lỗi do doanh nghiệp thì khá bất công, bởi quá trình vận hành, sản xuất ra một mặt hàng và kiểm soát chất lượng của sản phẩm phải qua rất nhiều bước với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng. Bất kỳ một khâu nào thiếu trách nhiệm, sai sót thì đều gây nên hậu quả: một người cán bộ thú y “lơ” cho bầy heo bị bệnh qua cửa thì sản phẩm xúc xích làm ra rõ ràng thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm; một cán bộ đo lường thiếu trách nhiệm thì trọng lượng hàng hóa sẽ ít hơn so với cam kết... Tất cả những yếu tố đó, thật đáng buồn, lại xảy ra khá nhiều và lâu dần người tiêu dùng “quen” với sự mất lòng tin. Họ bỏ tiền mua hàng từ các quốc gia khác vì tin những yếu tố: đủ trọng lượng, nguyên liệu sạch, công nghệ thân thiện với môi trường... và sẵn sàng trả thêm chi phí cho lòng tin đó.
Sự so sánh nào cũng sẽ có một chút khập khiễng và dễ dàng gây tranh luận. Tuy nhiên, sẽ cần nhìn nhận vào thực tế để nhanh chóng có những biện pháp sửa chữa và lấy lại lòng tin từ nhiều phía, trước khi hàng Việt đón nhận cơn bão cạnh tranh lớn nhất từ trước đến nay khi Việt Nam mở cửa cho hàng ngoài tràn vào.
Vi Lâm