Có lẽ những người kinh doanh hàng hóa hay dịch vụ khi sử dụng "tiểu xảo" với khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài, sẽ nghĩ rằng việc làm của mình chỉ là việc nhỏ nhặt, không đáng bận tâm và những cụm từ như "thể diện quốc gia" không có chỗ trong đầu họ.
Có lẽ những người kinh doanh hàng hóa hay dịch vụ khi sử dụng “tiểu xảo” với khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài, sẽ nghĩ rằng việc làm của mình chỉ là việc nhỏ nhặt, không đáng bận tâm và những cụm từ như “thể diện quốc gia” không có chỗ trong đầu họ. Hoặc đơn giản hơn, cái lợi trước mắt khiến họ xuê xoa bỏ qua khi nghĩ rằng ông khách A, bà khách B cụ thể này “biết chừng nào mới quay trở lại” nên đâu cần o bế làm chi?
Thật ra, với những người lần đầu tiên đến một vùng đất, một điểm du lịch, yếu tố để họ quyết định có trở lại nữa hay không, đôi khi nhỏ bé và dễ nhận diện hơn nhiều so với người ta nghĩ, và rõ ràng rất nhiều khi nó đến từ những hành vi cụ thể. Người ta dễ dàng ấn tượng đẹp với một tài xế taxi nhiệt tình trung thực, với một quán ăn ngon, rẻ, sạch sẽ hay thái độ lịch sự vui vẻ hết lòng của nhân viên một khu du lịch nào đó. Có thể điều đó chưa đủ mạnh để quyết định 100% việc họ có quay lại hay không, nhưng cũng là yếu tố mang tính cân nhắc không hề nhỏ. Trừ một số nơi quá đặc thù về cảnh quan tự nhiên dạng “có một không hai” thì giữa nhiều quốc gia, vùng đất, điểm du lịch na ná nhau về điều kiện tự nhiên, yếu tố chất lượng dịch vụ, sự đàng hoàng trung thực của những con người ở nơi đó rất quan trọng trong lựa chọn đi du lịch của nhiều người. Người làm dịch vụ thiếu tử tế có thể “lừa” được du khách vài trăm ngàn hay vài triệu đồng, nhưng sẽ tước đi cơ hội có thêm nhiều khách hàng nếu chỉ một lần buôn bán gian dối, chặt chém, bất lịch sự… Vì người ta sẽ ít khi chọn một nơi mà bè bạn, người thân nhận xét kiểu “chỗ đó chém ghê lắm”, “dịch vụ chỗ đó vừa đắt vừa bẩn”…, đặc biệt khi người ta luôn có hơn một lựa chọn tương tự, bởi không ai muốn biến chuyến đi của gia đình thành những nỗi bực dọc triền miên vì những điều không đáng.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 5 tháng đầu năm 2015 giảm mạnh, chỉ đạt 2,3 triệu lượt, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2014. Và đáng buồn là khách mỗi năm lại giảm nhiều hơn. Nếu năm 2010, khách tăng 34,8% so với năm 2009 thì năm 2014 chỉ tăng 4% so với năm 2013, rồi từ đó tiếp tục giảm. Nguồn khách từ châu Âu, châu Á, Mỹ... giảm rất mạnh. Theo phân tích, giá dịch vụ Việt Nam hiện đang cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực với 80USD/khách/đêm (tiêu chuẩn 3 sao), trong khi Thái Lan là 22,5USD, Malaysia 30USD, Trung Quốc 40USD, chủ yếu do giá khách sạn và ăn uống tại các điểm du lịch Việt Nam quá cao.
Chuyện con cua 1,2kg sau khi gỡ dây buộc còn 420g ở Khánh Hòa, hay chuyện 2 tô phở bị “chém” 800 ngàn đồng tại Hà Nội gần đây mà Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh đưa ra làm ví dụ đang “sục sôi” trên mặt báo mấy ngày nay. Thật đáng buồn, đó lại là chuyện không có gì mới vì nó khá phổ biến ở những điểm du lịch, đặc biệt lúc cao điểm. Bộ trưởng thiết tha đề nghị các địa phương phải “vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn nạn cò mồi, ép giá đối với du khách và những hành vi làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam” nhằm hạn chế bớt tình trạng một đi không trở lại của du khách. Và rõ ràng, cần bắt đầu từ những hành vi tử tế dù nhỏ nhất của chính những người đang hưởng lợi từ “ngành công nghiệp không khói” này.
Vi Lâm