Đầu tháng 6-2015, lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam đã đến Mỹ thành công, sau nhiều năm nỗ lực mở cửa thị trường cho loại trái cây truyền thống này.
Đầu tháng 6-2015, lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam đã đến Mỹ thành công, sau nhiều năm nỗ lực mở cửa thị trường cho loại trái cây truyền thống này.
Nhìn lại lịch sử mở cửa thị trường cho trái cây Việt Nam, có thể thấy đây không phải là việc dễ dàng. Sau gần 10 năm nỗ lực, hiện mới chỉ có 5 loại trái cây là: thanh long, chôm chôm, xoài, nhãn, vải vào được một số thị trường khó tính (cốt lõi là phải xử lý dịch hại bằng 2 phương pháp chiếu xạ hoặc hơi nước nóng - tùy yêu cầu của quốc gia nhập khẩu). Bắt đầu từ năm 2008, Việt Nam mở được cửa cho thanh long vào thị trường Mỹ, ở nhóm chiếu xạ còn có chôm chôm vào Mỹ năm 2011, nhãn và vải vào Mỹ năm 2014, xoài vào New Zealand 2012, thanh long sang Chile 2011; trong năm 2015, có thể xoài và vú sữa sẽ vào Mỹ, chôm chôm vào New Zealand, vải vào Mỹ, Australia. Ở nhóm xử lý bằng hơi nước nóng thì năm 2009 thanh long vào Nhật Bản, năm 2010 thanh long vào Hàn Quốc; năm 2014 thanh long vào New Zealand, xoài vào New Zealand năm 2012, xoài vào Hàn Quốc năm 2014 và có thể xoài sẽ vào được Nhật Bản năm 2015. Trung bình mất khoảng 3-4 năm để đàm phán và thực hiện mở cửa cho một loại trái cây vào một thị trường nào đó. Ví dụ năm 2004, Việt Nam bắt đầu đàm phán để thanh long vào Mỹ, đến tận năm 2008 mới xong. Các loại trái cây khác sau này thì nhanh hơn một chút do có kinh nghiệm, nhưng cũng phải mất trung bình 3 năm cho 1 loại trái vào một thị trường nào đó.
Nhiều người kỳ vọng mở cửa thị trường cho một loại trái cây nào đó sẽ là phương cách giải quyết đầu ra cho vải thiều, và tạo đà cho nhiều loại trái cây khác.
Điều này không sai, tuy nhiên cần nhìn nhận thực tế hơn để có những giải pháp bền vững nhất. Nguyên nhân là bởi mở cửa thị trường chỉ là động tác đầu tiên cho việc giải bài toán xuất khẩu trái cây, vì dù thị trường đã mở thì việc doanh nghiệp có bán được nhiều hàng tại những thị trường đã mở cửa hay không lại là chuyện khác.
TS. Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn), người đã gắn bó với việc mở cửa thị trường cho trái cây Việt Nam từ những ngày đầu đến nay, đánh giá doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt các thị trường khó tính. Mỗi năm, tổng sản lượng xuất khẩu đi các thị trường khó tính bằng giải pháp chiếu xạ hay hơi nước nóng khoảng gần 4 ngàn tấn. Đó là cả một nỗ lực. Chẳng hạn, thanh long những năm 2008-2009 khi mới mở cửa chỉ đạt 100 tấn, nay đã lên đến gần 2 ngàn tấn. Tuy nhiên, số lượng này chưa đủ để giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản. Vấn đề là phải tìm thêm đầu mối tiêu thụ tại các thị trường nói trên, vì nếu chỉ bán hàng loanh quanh trong cộng đồng người Việt Nam hoặc châu Á thì thị phần khó lớn mạnh. Thêm vào đó là sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả, chất lượng từ trái cây Thái Lan, Trung Quốc và nhiều nước khác, vì ai cũng muốn bán nhiều.
Theo đó, cần sự kết hợp rất rõ ràng, hiệu quả giữa doanh nghiệp - nông dân mới đẩy được sản lượng tiêu thụ lớn dần lên. Trong nước, sản xuất phải là sản xuất lớn với chất lượng đồng đều để có nguồn ổn định cho xuất khẩu. Các nhà máy chiếu xạ hay xử lý hơi nước nóng cần được đầu tư tại các vùng sản xuất để xử lý ngay sau thu hoạch, không phải vận chuyển xa. Doanh nghiệp xuất khẩu phải chăm chỉ và bạo dạn để tìm đầu mối tiêu thụ nhiều hơn nữa tại những thị trường đã được mở cửa, chứ không phải chỉ “loanh quanh chợ châu Á” vì sức tiêu thụ có hạn.
Mở cửa được cho loại trái cây nào, mừng loại đó, nhưng rõ ràng để mở rộng sức tiêu thụ, cần đến những giải pháp căn cơ, bền vững.
Vi Lâm