Giám đốc một doanh nghiệp khá nổi tiếng trong ngành nông sản tại Đồng Nai có lần chia sẻ, chắc phải hàng chục năm nữa mới có thể tạo được thói quen liên kết trong làm ăn giữa người Việt trong bất kể ngành nghề nào, từ nông sản đến dịch vụ, xây dựng...
Giám đốc một doanh nghiệp khá nổi tiếng trong ngành nông sản tại Đồng Nai có lần chia sẻ, chắc phải hàng chục năm nữa mới có thể tạo được thói quen liên kết trong làm ăn giữa người Việt trong bất kể ngành nghề nào, từ nông sản đến dịch vụ, xây dựng... Chưa vội bàn đến việc cùng bắt tay để xây dựng thương hiệu quốc gia trong bất cứ mặt hàng, ngành hàng nào, chỉ cần liên kết để vượt qua những khó khăn trước mắt mà ai cũng thấy đã khó như “đội đá vá trời”.
Đơn cử, một “liên kết” nổi tiếng nhất trong sản xuất nông nghiệp mà hàng chục năm nay với biết bao chính sách và hỗ trợ vẫn chưa thành hình hài phổ biến, là liên kết giữa nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp (liên kết 4 nhà). Luôn có những câu chuyện cụ thể minh chứng cho những khó khăn trong việc xây dựng liên kết đó. Doanh nghiệp đặt hàng, ký hợp đồng với nông dân, chốt giá, đến mùa thương lái trả cao hơn, nông dân xé rào. Hoặc nông dân giữ chữ tín, nhưng doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ hoặc vốn liếng, nên khi rộ mùa đành phá vỡ hợp đồng, “mang con bỏ chợ”. Cũng có khi có hợp đồng xuất khẩu lớn, nhưng không thể tổ chức sản xuất lớn tạo thành vùng nguyên liệu vì nông dân không chịu bắt tay, hợp tác xã mạnh ai nấy làm... Rồi chưa kể các chính sách của Nhà nước, dù với mục tiêu tốt là hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, nhưng đôi khi lại chậm trễ hoặc “trật kèo” với thực tế, không đem lại hiệu quả. Rất nhiều câu chuyện diễn ra đã cho thấy, nông dân, doanh nghiệp Việt Nam không ngại khó, ngại khổ trong sản xuất, trong công việc, nhưng lại thiếu niềm tin lẫn nhau trong quá trình liên kết để lớn mạnh hơn, hoặc đơn giản là tư tưởng tiểu nông khiến họ chưa nhìn ra lợi ích bản thân trong sự liên kết đó.
Ở những lĩnh vực khác, sự liên kết cũng là điều mà doanh nghiệp Việt ít khi đạt được trong làm ăn. Với các doanh nghiệp Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, tính liên kết giữa doanh nghiệp cùng một quốc gia, vùng lãnh thổ rất lớn. Tại Đồng Nai, không hiếm chuyện một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đi trước mở đường, kéo theo sau là hàng chục doanh nghiệp nhỏ đi theo hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để cùng sản xuất một mặt hàng. Trong khi đó, hoạt động theo quy mô nhỏ là chính, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam dù cùng chung một ngành cũng ít khi tìm đến nhau, hỗ trợ nhau trong làm ăn, kể cả khi cùng bước ra thị trường quốc tế.
Các chuyên gia kinh tế vẫn đang nhọc nhằn kêu gọi doanh nghiệp và nông dân liên kết với nhau để chuẩn bị sức lực cho những thị trường rộng lớn, cạnh tranh quyết liệt khi Việt Nam ký kết hoặc gia nhập các hiệp định kinh tế song phương, đa phương, nhưng cũng chính họ phải thừa nhận kết quả vẫn rất hạn chế. Có nhiều nguyên nhân đã được phân tích cho những năm tháng nhọc nhằn kêu gọi: văn hóa, lối sống, tư duy, kiến thức, tầm nhìn... Nhưng quan trọng hơn hết, có lẽ là niềm tin lẫn nhau còn quá thiếu, do đó ai cũng lo “thủ”, ít khi chịu trải lòng san sẻ với nhau, dù cùng hướng đến những lợi ích tương tự nhau. Niềm tin non yếu, nên chỉ cần một khó khăn nhỏ cũng đủ đánh đổ những liên kết mỏng manh mất nhiều năm gầy dựng.
Và câu hỏi vẫn chưa có giải pháp xác đáng, dù khó khăn thách thức đang đến rất gần.
Vi Lâm