Nhiều người cho rằng chiến dịch truyền thông không quá tốn kém của nhà sản xuất BKAV - Trung tâm An ninh mạng Bkis thuộc Trường đại học bách khoa Hà Nội - dành cho chiếc điện thoại thông minh thương hiệu Việt Nam đắt tiền đầu tiên, đã khá thành công khi đâu đâu người ta cũng bàn tán về chiếc Bphone mới do BKAV sản xuất.
Nhiều người cho rằng chiến dịch truyền thông không quá tốn kém của nhà sản xuất BKAV - Trung tâm An ninh mạng Bkis thuộc Trường đại học bách khoa Hà Nội - dành cho chiếc điện thoại thông minh thương hiệu Việt Nam đắt tiền đầu tiên, đã khá thành công khi đâu đâu người ta cũng bàn tán về chiếc Bphone mới do BKAV sản xuất.
Nhưng đáng buồn là ngay sau đó những chỉ trích lại nhiều hơn khuyến khích, dù cả trăm kỹ sư của BKAV đã mất 5 năm làm đi làm lại với tâm huyết đưa ra thị trường một sản phẩm công nghệ cao thương hiệu Việt. Ở đây cần nhấn mạnh ý nghĩa của cụm từ “thương hiệu Việt”. Bà Vũ Kim Hạnh - một trong những người khai sinh ra chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao từng nhận định, cần phân biệt rõ khái niệm thế nào là hàng Việt. Theo đó, một sản phẩm hoàn toàn được coi là hàng hóa thuần Việt nếu thương hiệu đó thuộc về các nhà sản xuất Việt Nam, dù các bộ phận hay linh kiện có thể có nhiều nguồn gốc khác nhau. Nghĩa là thương hiệu đó có thể “xuất khẩu” đi khắp thế giới, nhưng ai cũng hiểu thương hiệu đó là của người Việt Nam. Nhiều ý kiến trên các diễn đàn chỉ trích rằng BKAV không thể tự sản xuất các chi tiết của chiếc Bphone mà chỉ nhập khẩu linh kiện và lắp ráp, nên khó có thể coi đây là hàng Việt Nam. Thực ra, đây là cách hiểu phiến diện, bởi BKAV là cha đẻ của sản phẩm, họ lên ý tưởng, đặt hàng, kiểm soát chất lượng và hoàn toàn có thể nhập khẩu hoặc tự sản xuất các chi tiết linh kiện tùy vào khả năng và sự tính toán của riêng họ, mà chiếc Bphone vẫn được coi là hàng Việt. Cũng như chiếc xe hơi hay chiếc máy bay được sản xuất tại Mỹ, mang thương hiệu Mỹ, nhưng các nhà cung cấp linh kiện hay chi tiết có thể ở khắp nơi trên thế giới. Theo BKAV, nhà máy sản xuất chính của Bphone nằm tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), có công suất vài chục ngàn chiếc mỗi tháng.
Về mặt công nghệ, sự so sánh đo đếm giữa Bphone và các dòng điện thoại thông minh khác đã được dân công nghệ bóc tách rất kỹ. Có nhiều ý kiến phân đo đắt, rẻ giữa Bphone và nhiều mặt hàng điện thoại thông minh khác. Tuy nhiên, BKAV khẳng định họ không làm dòng điện thoại thông minh giá rẻ, mà đầu tư tương xứng với giá tiền.
BKAV cho biết, ngoài nhà máy sản xuất hiện có, họ đã sẵn sàng cho hạ tầng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc với diện tích 2,3 hécta, và tùy theo thị trường có thể nâng công suất lên vài trăm ngàn sản phẩm/tháng. Theo đó, toàn bộ kiểu dáng, thiết kế cơ khí, điện tử, phần mềm thực hiện tại trụ sở chính của BKAV, phần chế tạo cơ khí thực hiện tại nhà máy để ra sản phẩm mẫu theo các yêu cầu đã đặt ra, sau đó đặt hàng các đối tác phụ trợ gia công. Một số khâu khó, đòi hỏi bảo mật cao, BKAV không đặt hàng mà sản xuất ngay tại nhà máy để tránh bị làm nhái, và cuối cùng, tập hợp mọi thứ tại nhà máy điện tử để lắp ráp thành phẩm. BKAV cũng tiết lộ, sau Bphone sẽ là máy tính bảng Bpad với sự đầu tư cũng đầy tâm huyết.
Có bỏ 10 triệu hay 14 triệu đồng ra để mua một chiếc Bphone hay không phụ thuộc vào người tiêu dùng sau khi đã tìm hiểu và so sánh kỹ lưỡng với các sản phẩm khác cùng dòng hàng. Số tiền đó cũng quá cao đối với việc khuyến khích ủng hộ hàng Việt theo dạng đại trà. Không ai bắt người tiêu dùng mua một món hàng kém chất lượng chỉ vì “tinh thần dân tộc”, hay ủng hộ hàng Việt một cách mù quáng. Tuy nhiên, việc chỉ trích hay chê bai quá đà với một sản phẩm công nghệ cao mang tính tiên phong của một nhà sản xuất Việt Nam là điều đáng phải suy nghĩ . Thay vào đó, hãy chọn cách góp ý và khuyến khích để sản phẩm hoàn thiện hơn và cũng là cách tạo động lực cho những nhà sản xuất Việt đi sau.
Vi Lâm