Có nhiều nhận định khác nhau từ phía các chuyên gia khi chứng kiến làn sóng đổ vốn đầu tư vào nông nghiệp của những tập đoàn sừng sỏ tại Việt Nam.
Có nhiều nhận định khác nhau từ phía các chuyên gia khi chứng kiến làn sóng đổ vốn đầu tư vào nông nghiệp của những tập đoàn sừng sỏ tại Việt Nam. Theo đó, Hoàng Anh Gia Lai đổ hàng ngàn tỷ đồng vào cao su, mía, bắp, chăn nuôi bò; Hòa Phát lấn sân vào ngành thức ăn chăn nuôi; Vingroup trồng rau sạch… cùng nhiều đại gia khác đã và đang góp vốn vào nông nghiệp bằng nhiều cách khác. Đây được coi là xu hướng đầu tư đáng chú ý trong vòng 3-4 năm trở lại đây, thay cho những làn sóng đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, tài chính - ngân hàng mấy năm trước đó.
Trước tiên, nên nhìn nhận đây là một xu hướng đáng khuyến khích, nhất là khi các tập đoàn lớn nhìn thấy cơ hội trong nông nghiệp - lĩnh vực vừa là thế mạnh vừa là điểm yếu của kinh tế Việt Nam. Song làn sóng đầu tư này cũng làm dấy lên nhiều lo lắng, vui mừng lẫn kỳ vọng từ phía các chuyên gia.
GS.TS Võ Tòng Xuân - trong nhiều bài phỏng vấn đã nhận định xu hướng đầu tư mạnh vào nông nghiệp của các tập đoàn lớn sẽ góp phần khắc phục 2 khâu yếu nhất trong nông nghiệp Việt Nam là thương hiệu và thị trường, thông qua việc khắc phục 2 khâu cũng được cho là yếu nhất trong sản xuất nông nghiệp của nông dân là thiếu sản xuất quy mô lớn và làm ăn theo chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, GS.TS Võ Tòng Xuân cũng lo lắng, nông dân sẽ được hưởng lợi gì trong chuỗi giá trị đó khi doanh nghiệp (DN) lớn đầu tư vào? Ông cho rằng, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nếu các DN ứng dụng 100% máy móc vào sản xuất thì chẳng những người dân không được lợi, mà còn mất kế sinh nhai, thất nghiệp. Ví dụ của ông là dù DN có trồng hàng ngàn hécta mía, bắp nhưng chủ yếu sử dụng máy móc hiện đại từ làm đất, trồng, chăm bón, thu hoạch, phơi sấy... cho đến chế biến thành phẩm thì sẽ có rất ít nông dân được tham gia vào chuỗi sản phẩm đó, hoặc sản phẩm của chính DN sẽ cạnh tranh với sản phẩm của nông dân trong cùng một ngành hàng - khi họ ở lợi thế vì đã sản xuất lớn và giảm được giá thành.
Một số ý kiến nhiều chiều khác cũng được bày tỏ trước làn sóng đầu tư của các đại gia vào nông nghiệp. Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất vẫn là nông dân sẽ tìm thấy mình ở đâu trong các chuỗi giá trị đó, trong xu hướng đầu tư lớn vào chính lĩnh vực truyền thống lâu nay của họ? Liệu có triết lý “win-win” - DN và nông dân cùng thắng trong câu chuyện đầu tư này hay không?
Thật khó để xác định câu trả lời vì mọi chuyện dường như vẫn đang trong giai đoạn bắt đầu và các dự án của những tập đoàn lớn vẫn chưa cho ra kết quả. Song, theo TS.Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn), thì triết lý cùng thắng trong kinh doanh sẽ được ứng dụng trong nông nghiệp chỉ khi có sự bắt tay của DN - nhà nông và nhà khoa học.
Cụ thể, DN cung ứng vốn, kỹ thuật hoặc đất đai cho nông dân, chuyển giao công nghệ và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. DN sẽ làm thương hiệu, tìm hướng bán hàng, kiểm soát chất lượng thành phẩm và nghiên cứu thị trường để có sự điều chỉnh sản phẩm phù hợp. Ở đây, câu chuyện sẽ trở thành bài toán ngược: nông dân sản xuất theo yêu cầu thị trường, chính thị trường định hướng họ sẽ trồng cây gì, nuôi con gì chứ không phải nông dân quyết định trồng gì, nuôi gì rồi sau đó mới đi tìm chỗ bán hàng như bao nhiêu năm qua.
Theo TS. Đặng Kim Sơn, triết lý “cùng thắng” này thể hiện ở chỗ DN giảm được chi phí đầu tư, có nguồn nhân công lớn và tạo được những giá trị lớn hơn cho DN.
Vi Lâm