Theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2015 đạt 9,13 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hầu như các mặt hàng nông sản chủ lực, như: gạo, cà phê, thủy sản... đều giảm.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2015 đạt 9,13 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hầu như các mặt hàng nông sản chủ lực, như: gạo, cà phê, thủy sản... đều giảm. Xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, như: chè, hạt tiêu, gỗ và các sản phẩm gỗ dù có tăng trưởng nhưng không cao. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2015 ước đạt 7,58 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam rất kỳ vọng vào cơ hội mở rộng mặt hàng nông sản xuất khẩu, đặc biệt là dòng sản phẩm rau, quả. Vừa qua có những tin mừng là thị trường thế giới qua các cơ quan kiểm định chất lượng nông sản của châu Âu, Mỹ, Nhật, đã cho phép nhập khẩu một số mặt hàng nông sản của Việt Nam, phần lớn là trái cây nhiệt đới, như: chuối, xoài cát Hòa Lộc, chôm chôm, nhãn... Đặc biệt, Chính phủ Autralia đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để trái vải thiều Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường này. Đây là một trong những nước có các quy định về kiểm dịch ngặt nghèo nhất trên thế giới và hiện Australia chưa chấp nhận nhập khẩu bất cứ loại trái cây tươi nào của Việt Nam.
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, có thị trường và được chứng nhận bởi cơ quan kiểm định của quốc gia nhập khẩu và giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của Văn phòng Quốc gia SPS Việt Nam (cơ quan Vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam) chưa phải là điều kiện đủ để xuất khẩu. Nhà doanh nghiệp xuất khẩu phải bảo đảm sản phẩm của mình luôn luôn tươi tốt, mẫu mã đẹp. Vậy nên nhà nông Việt Nam không thể nuôi trồng tùy ý mình rồi “bán mão” cho thương lái như trước. Doanh nghiệp cũng không thể tiếp tục làm theo kiểu “ăn xổi ở thì” đi thu gom, mua lại của thương lái rồi xuất khẩu. Và Nhà nước không thể để cho nông dân tự phát, mạnh ai nấy bắt chước nhau nuôi trồng một cách vô tổ chức như hiện nay.
Việc tổ chức cho nông dân sản xuất là một yêu cầu cần thiết. Nông dân phải kết hợp với nhau thành lực lượng lớn để có thể tạo nên nguồn nguyên liệu với khối lượng lớn, có chất lượng an toàn thực phẩm cao nhất, thu hoạch đúng theo thời điểm hợp đồng, giá thành cạnh tranh. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp có tâm huyết, có kỹ thuật chuyên môn cũng rất quan trọng. Đồng thời, hoạt động này phải được kết hợp với chương trình công nghiệp hóa nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn và Bộ Công thương.
Lê Quyên