Báo Đồng Nai điện tử
En

Vấn đề của tỉnh "ngôi sao"

02:04, 21/04/2015

Như thường lệ, trung tuần tháng 4 hàng năm, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của năm liền kề trước đó. Ngày 16-4 vừa qua, VCCI đã công bố chính thức PCI 2014 tại Hà Nội. Đây là năm thứ 10 PCI được thực hiện tại Việt Nam.

Như thường lệ, trung tuần tháng 4 hàng năm, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của năm liền kề trước đó. Ngày 16-4 vừa qua, VCCI đã công bố chính thức PCI 2014 tại Hà Nội. Đây là năm thứ 10 PCI được thực hiện tại Việt Nam.

Kết quả điều tra PCI 2014 cho thấy dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh, thể hiện ở tỷ lệ doanh nghiệp (DN) trong nước tăng quy mô đầu tư vốn đã tăng trở lại (10,8%) sau 2 năm giảm xuống mức thấp nhất.

PCI năm nay ghi nhận các địa phương: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai là 5 tỉnh, thành phố được các DN dân doanh đánh giá tốt nhất về cơ sở hạ tầng. Tuy vậy, có vẻ như lợi thế này không đủ kéo các địa phương trên thăng hạng (ngoại trừ Đà Nẵng có bứt phá). Một điều đáng chú ý nữa là báo cáo năm nay vạch ra, chi phí không chính thức (phí “bôi trơn”, “hoa hồng”) trong hoạt động đấu thầu khi tham gia các hợp đồng với cơ quan nhà nước của DN chiếm tới 55%. Chưa kể, ngày càng nhiều DN cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến (từ 41% năm 2013 lên 66% năm 2014).

Nhìn vào bảng xếp hạng PCI 2014, dễ thấy các địa phương, như: Đồng Tháp, Lào Cai, Quảng Ninh đã có sự tiến bộ vượt bậc, được DN đánh giá cao. Nhiều DN cũng ghi nhận nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của các địa phương, như: Vĩnh Phúc, Long An, Thái Nguyên, Kiên Giang, Bắc Ninh.

Năm nay, Đồng Nai với số điểm 57,26 đã xếp cuối cùng trong nhóm “Khá” của PCI và đáng buồn thay, là thứ hạng thấp nhất trong 10 năm nay - từ khi PCI bắt đầu được thực hiện (năm 2013 Đồng Nai xếp hạng 40). Trên một chút là Bình Dương (58,82) và Bà Rịa - Vũng Tàu (59,05). Trừ Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh hầu như luôn nằm trong tốp dẫn đầu về năng lực cạnh tranh, còn lại mấy năm qua những địa phương mới nổi, thu hút đầu tư ít, phát triển kinh tế có chừng mực, lại luôn dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh. Nhận xét về điều này, nhóm nghiên cứu của PCI đánh giá, các tỉnh “ngôi sao” chững lại và chưa có sự bứt phá, trong khi nhóm cuối tiếp tục thu hẹp sự chênh lệch thông qua các lĩnh vực dễ cải cách, như: đăng ký DN, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.

Vẫn luôn có sự tranh luận về các tiêu chí đánh giá mà PCI đặt ra qua nhiều năm, và về nguyên tắc PCI cũng chỉ đóng vai trò là một kênh tham khảo cho các nhà đầu tư cũng như công luận, không phải đại diện cho tất cả. Song đến thời điểm này, báo cáo này vẫn được công nhận là sát thực tế và uy tín vì đã “ghi nhận” tiếng nói của 9.859 DN dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố của cả nước.

Đã có nhiều lý giải vì sao các tỉnh “ngôi sao”, trong đó có Đồng Nai dễ bị sụt hạng, hoặc bảo vệ vị trí đã có rất khó so với các tỉnh khó khăn hơn. Theo đó, không phải cứ tỉnh nào cơ sở hạ tầng tốt, xuất phát điểm cao là khiến DN hài lòng. Cách đánh giá của PCI dựa trên hàng loạt tiêu chí như: chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai hay tính minh bạch... Theo đó, mặc dù có những địa phương gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, xuất phát điểm thấp, thu ngân sách yếu dẫn đến nguồn lực kém hơn các tỉnh, thành khác, nhưng PCI lại đánh giá cao nếu có những nỗ lực cải cách hành chính mới mẻ, hợp thời để làm vừa lòng nhà đầu tư. Điều này cũng không dễ dàng, vì tại một số tỉnh có môi trường thu hút đầu tư lâu năm và đã có nhiều chính sách ưu đãi ổn định, như: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu hay Bình Dương... thì việc “đột phá” trong chính sách đủ mạnh để nhà đầu tư thấy ấn tượng, đòi hỏi rất nhiều cố gắng nghiên cứu và thực hiện.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, cũng từng nhận xét có những địa phương luôn tạo điều kiện cho DN, thì dường như giới DN cũng đòi hỏi cao hơn và khó tính hơn trong đánh giá.

Tuy vậy, dẫu sao PCI vẫn đang ngày một trở nên uy tín và được DN xem là một trong những bản báo cáo quan trọng nhất khi tìm hiểu môi trường đầu tư. Do đó, dù có phải là tỉnh “ngôi sao” hay không, vẫn cần nhiều nỗ lực để bứt phá hàng năm.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều