Báo Đồng Nai điện tử
En

Minh bạch cho vay tiêu dùng

11:04, 13/04/2015

Thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vốn dĩ là "đất" của các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính.

Thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vốn dĩ là “đất” của các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính. Tuy nhiên, trong khi các ngân hàng bị ràng buộc bởi rất nhiều quy định nhằm tránh rủi ro trong tín dụng, thêm vào đó thủ tục lâu và rườm rà, thì các công ty tài chính gần như được tự do trong việc quyết định đối tượng, thời gian, lãi suất, hình thức thế chấp... trong lĩnh vực vay tiêu dùng.

Do đó, cuối năm 2014 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo thông tư về quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính, trong đó có quy định các ngân hàng thương mại muốn cho vay tiêu dùng phải thành lập công ty tài chính. Thêm vào đó, theo lộ trình tái cơ cấu, trong năm 2015, doanh nghiệp nhà nước buộc phải thoái vốn ngoài ngành. Chưa kể, Thông tư 36/2014/TT-NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng phải xây dựng phương án xử lý, thoái vốn nếu có tỷ lệ sở hữu vượt mức quy định trong năm 2015.

Điều này đã làm dấy lên một làn sóng mua bán, sáp nhập, thành lập mới công ty tài chính từ phía các ngân hàng, nhằm mục đích sắp xếp ổn định hệ thống cho vay tiêu dùng của mình - thị trường được cho là rất “màu mỡ” và giàu tiềm năng. Mới đây nhất, trong tài liệu chuẩn bị cho kỳ họp Hội đồng cổ đông tháng 4-2014, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) đã trình phương án thành lập Công ty tài chính tổng hợp Ngân hàng Á Châu (công ty tài chính ACB) với lý do là sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ siết hoạt động cho vay tiêu dùng bằng các quy định trong những thông tư mới dự kiến sẽ ban hành trong năm 2015. Và nếu không có bước chuẩn bị, ACB cũng như các ngân hàng thương mại khác sẽ không còn được cho vay tiêu dùng như trước.

Trước đó, đầu năm 2015, Ngân hàng thương mại cổ phần kỹ thương (TechcomBank) đã thông báo sẽ nhận chuyển nhượng gần 90% cổ phiếu từ Công ty tài chính cổ phần hóa chất Việt Nam (VCFC). Như vậy, cộng với tỷ lệ sở hữu 10% từ ban đầu ở VCFC, TechcomBank đã nâng tỷ lệ sở hữu vốn tại VCFC lên trên 99,8%, đồng nghĩa VCFC hoàn toàn trở thành công ty tài chính thuộc sở hữu của TechcomBank.

Tương tự, đầu tháng 4-2015, Tập đoàn tài chính Credit Saison (Nhật Bản) đã hoàn tất các thủ tục góp vốn tại Công ty tài chính HDFinance (thuộc sở hữu của Ngân hàng thương mại cổ phần phát triển TP.Hồ Chí Minh - HDBank), sau đó đổi tên thành Công ty tài chính HD Saison. Ngoài HDBank, cách đây vài tháng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã chấp thuận cho Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank) mua lại Công ty tài chính cổ phần dệt may Việt Nam từ 11% cổ phần ban đầu mà Maritime Bank sở hữu.

Theo nhiều nhận xét, Ngân hàng Nhà nước bắt buộc các ngân hàng thương mại phải có công ty tài chính nếu muốn cho vay tiêu dùng là nhằm hạn chế các rủi ro về nợ xấu. Nghĩa là nếu có công ty tài chính riêng với các hành lang pháp lý riêng, vốn điều lệ riêng thì khi phát sinh rủi ro hay nợ xấu, các ngân hàng thương mại không phải là nơi gánh vác mà là bản thân các công ty tài chính. Đồng thời, các công ty tài chính dù thuộc về các ngân hàng nhưng lại có đủ điều kiện để cạnh tranh công bằng với các công ty tài chính khác trên thị trường. Nhìn từ góc độ khách hàng thì rõ ràng khi có hành lang pháp lý ổn định, nhiều công ty tài chính cạnh tranh lẫn nhau thì khả năng lãi suất sẽ giảm và chất lượng dịch vụ sẽ tăng.

Ngân hàng Nhà nước chưa cho biết cụ thể sẽ áp dụng các thông tư mới ở thời điểm nào, nhưng gần như chắc chắn bước chuẩn bị của các ngân hàng thương mại là không dư thừa, bởi ý định quản lý và minh bạch hóa tín dụng tiêu dùng là đúng đắn.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều