Báo Đồng Nai điện tử
En

"Giải cứu" nông sản?

11:04, 27/04/2015

Hai trường phái ủng hộ và phản đối đã diễn ra khá gay gắt trong dư luận vài tuần qua trước chuyện kêu gọi người tiêu dùng mua dưa hấu do nông dân Quảng Nam, Quảng Ngãi sản xuất nhằm giải cứu cho những ruộng dưa chất đống vì ế ẩm.

Hai trường phái ủng hộ và phản đối đã diễn ra khá gay gắt trong dư luận vài tuần qua trước chuyện kêu gọi người tiêu dùng mua dưa hấu do nông dân Quảng Nam, Quảng Ngãi sản xuất nhằm giải cứu cho những ruộng dưa chất đống vì ế ẩm.

Bắt đầu từ thông tin dưa hấu miền Trung chất đống ứ đọng ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn do không thể xuất sang Trung Quốc như thường lệ được, một (và sau đó là nhiều) nhóm người đã lên mạng xã hội kêu gọi người tiêu dùng mua ủng hộ dưa hấu cho nông dân bớt khổ. Một trong những nhóm tình nguyện bán dưa trên đã cho biết số lượng dưa tiêu thụ đã lên đến trên 1 ngàn tấn, và toàn bộ số tiền trên đều được trả cho nông dân một cách sòng phẳng.

Tuy nhiên, tuần trước Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Quảng Nam đã phải có văn bản báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam, trong đó nêu rõ thông tin dưa hấu ế không bán được, ùn tắc ở cửa khẩu là không chính xác. Văn bản này nêu rõ: “Vừa qua có thông tin dưa hấu Quảng Nam bán không hết, bị ùn tắc nhiều tại cửa khẩu và bày bán lẻ ở nhiều nơi khác. Tuy nhiên, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không còn dưa hấu thu hoạch để bán, bởi vùng dưa hấu ở cánh Bắc đã thu hoạch xong, vùng dưa cánh Nam quả còn nhỏ, chưa đến kỳ thu hoạch. Do vậy thông tin dưa hấu không bán được, bị ùn tắc ở cửa khẩu, bán với giá thấp và được bày bán ở một số nơi không phải dưa hấu được trồng ở Quảng Nam” (nguồn: Báo Người lao động).

Theo đó, Quảng Nam trân trọng sự ủng hộ của cộng đồng, nhưng từ đầu tháng 4, toàn bộ diện tích dưa ở các huyện phía Bắc đã thu hoạch hoạch xong, còn khoảng 600 hécta trồng dưa ở các huyện phía Nam, như: Phú Ninh, Núi Thành, TP.Tam Kỳ chưa đến kỳ thu hoạch. Như vậy, không thể nói dưa của nông dân tỉnh Quảng Nam ứ đọng được.

Trước dưa hấu thì cà chua, thanh long… cũng được cộng đồng mạng kêu gọi mua giúp nông dân. Trước tiên, phải thừa nhận rằng các điểm phân phối tự phát, các hệ thống giao hàng tạm thời được thiết lập cũng giúp giải quyết bớt khó khăn cho một số nông dân trong thời điểm trái chín rộ mà không tiêu thụ được. Hành động này đồng thời cũng tạo được những ấn tượng tốt đẹp cho cộng đồng.

Tuy nhiên, nếu xảy ra thường xuyên và liên tục, thì rõ ràng vấn đề lại phát sinh. Thứ nhất, do tự phát và thiếu kiểm soát nên hành động này dễ bị lợi dụng, bằng chứng là Quảng Nam đã phải ra công văn nói rõ dưa hấu đã hết từ lâu, nhưng cộng đồng mạng vẫn kêu gọi người tiêu dùng mua giúp để “giải cứu” nông dân. Thứ hai, về lâu dài, ai cũng biết sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện tại là câu chuyện thị trường, đòi hỏi phải có thông tin thị trường, kế hoạch sản xuất, hệ thống bảo quản và phân phối chuyên nghiệp, vì không thể nay kêu gọi “giải cứu” dưa hấu, mai lại đến thanh long, mốt là chuối, bắp, trứng gà… cho nông dân được. Chưa kể, chất lượng nông sản cũng là một vấn đề khi được tiêu thụ một cách tràn lan và tự phát.

Quảng Nam cho biết, tỉnh trân trọng những tổ chức, cá nhân có ý định giúp đỡ nông dân tiêu thụ nông sản. Nhưng rõ ràng, không thể cứ dựa vào tấm lòng của cộng đồng, thay vào đó cần một kế hoạch lâu dài hơn.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều