Ông Nguyễn Quang Vũ ở độ tuổi U.50 đã quyết định khởi nghiệp, ra sản xuất riêng bằng một xưởng giày quy mô khá lớn tại huyện Vĩnh Cửu. Khởi điểm là 3 ngàn đôi/tháng, sau hơn 1 năm, ông tăng lên 20 ngàn đôi/tháng. Hiện sản lượng giày tại xưởng đã đạt 500 ngàn đôi/năm với doanh thu hàng chục tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Vũ ở độ tuổi U.50 đã quyết định khởi nghiệp, ra sản xuất riêng bằng một xưởng giày quy mô khá lớn tại huyện Vĩnh Cửu. Khởi điểm là 3 ngàn đôi/tháng, sau hơn 1 năm, ông tăng lên 20 ngàn đôi/tháng. Hiện sản lượng giày tại xưởng đã đạt 500 ngàn đôi/năm với doanh thu hàng chục tỷ đồng. Giày Prowin dần được biết tiếng, được tiêu thụ từ Nam chí Bắc, xuất khẩu sang Lào và Campuchia và trở thành một trong những thương hiệu giày thể thao “made in Vietnam” được ưa chuộng trên thị trường với nhiều dòng giày chuyên sâu cho từng môn thể thao cụ thể: giày đá banh, giày chạy bộ, quần vợt, bóng chuyền... Và về chất lượng, Prowin tự tin đến độ có những đôi giày có thể bán với giá 800-900 ngàn đồng. Gần đây nhất, ông Vũ cho biết ông muốn dấn thêm một bước, làm giày thể thao thời trang cho giới trẻ - thị trường đang bị hàng Trung Quốc chiếm lĩnh gần như hoàn toàn.
Ông Vũ nói, thiết kế hay sản xuất, ông không ngại, mà chắc có lẽ với hàng chục năm gia công giày dép, các doanh nghiệp sản xuất giày dép khác của Việt Nam cũng không ngại. Nhưng khâu bán hàng thì khác. Mỗi sản phẩm cần 3 công đoạn: nghiên cứu phát triển sản phẩm - tổ chức sản xuất - tổ chức bán hàng. Nghiên cứu phát triển sản phẩm tuy cũng là một công đoạn khó, nhưng “sợ” nhất vẫn là bán hàng.
Nhìn lại, các đại gia ngành giày dép Việt có chút thương hiệu dường như đang khá chật vật trong khâu chiếm lĩnh thị trường. Ở phân khúc cao cấp, tại các trung tâm mua sắm lớn, như: Vincom, Parkson, đôi giày Việt vẫn rất khiêm tốn, chỉ vài mét vuông với vài nhãn hiệu như Vascara, Gosto (nhãn hàng cao cấp của Bitís), còn lại là các nhãn từ Anh, Mỹ, Singapore... Ở phân khúc bình dân hơn như siêu thị hay chợ, hàng Việt tuy nhiều hơn một chút nhưng cũng chưa có nhiều, mà chỉ có vài nhãn hàng đủ mạnh để người tiêu dùng nhớ tên chút chút, như: Juno, Thượng Đình, Thái Bình, Vina Giày... còn lại là hàng Thái Lan, Trung Quốc. Ông Vũ nói, thuê mặt bằng để trưng bày, bán giày không dễ, vì phải cân nhắc nhiều để duy trì khi túi tiền dành cho marketing luôn luôn khiêm tốn. Chi phí thuê một mặt bằng tại các con phố lớn ở những đô thị sầm uất lên đến hàng ngàn USD, chưa kể các chi phí khác.
Vậy nên, được đánh giá là một trong những quốc gia có trình độ sản xuất, gia công giày dép lành nghề bậc nhất thế giới, có những đôi tay khéo léo nhất, nhưng cho đến nay, thương hiệu giày dép Việt Nam vẫn chìm lấp giữa hàng trăm thương hiệu giày dép ngoại - đang ngày càng rẻ hơn nhờ những hiệp định kinh tế song phương, đa phương mà Việt Nam tham dự. Theo Hiệp hội Giày da Việt Nam, chỉ riêng thương hiệu Adidas, Việt Nam hiện đã có gần 80 nhà máy chuyên gia công và hơn 90% trong số này tập trung ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh...
Cũng theo hiệp hội, mỗi năm trung bình người Việt Nam tiêu thụ 180 triệu đôi giày, dép và sẽ tăng dần theo thu nhập. Nhưng nghịch lý là “đất” của những đôi giày dép thương hiệu Việt lại ngày càng hẹp lại, càng khó khăn hơn.
Vi Lâm