Thống kê cho thấy, chỉ tính trong 4 năm trở lại đây, Đồng Nai được Bộ Giao thông - vận tải đầu tư gần 10 dự án giao thông quan trọng, trong đó có dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 51, quốc lộ 20, quốc lộ 1, đường tránh Biên Hòa.
Thống kê cho thấy, chỉ tính trong 4 năm trở lại đây, Đồng Nai được Bộ Giao thông - vận tải đầu tư gần 10 dự án giao thông quan trọng, trong đó có dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 51, quốc lộ 20, quốc lộ 1, đường tránh Biên Hòa. Các dự án cầu gồm có cầu Đồng Nai, cầu Hóa An mới, cầu vượt ngã tư Tân Vạn, cầu Bửu Hòa, cầu vượt đường sắt trên quốc lộ 1, TX.Long Khánh, cầu vượt Amata, hầm chui ngã tư Tam Hiệp.
Tổng vốn cho các dự án nói trên lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Trên bình diện cả nước, hàng trăm công trình giao thông cũng được triển khai mạnh mẽ trong mấy năm qua, từ đường bộ đến đường hàng không, cảng biển, đường sắt...
Để có tiền trang trải, Bộ Giao thông - vận tải đã phải huy động nhiều nguồn khác nhau, trong đó lớn nhất là nguồn xã hội hóa với các hình thức: BT, BOT, PPP... vì bản thân ngân sách không thể gánh hết số vốn khổng lồ trên. Theo số liệu của Bộ Giao thông - vận tải, trong 3 năm trở lại đây, Bộ đã huy động được 65 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa với tổng mức đầu tư khoảng 160 ngàn tỷ đồng. Ước chừng số vốn xã hội hóa nói trên chiếm khoảng 64% so với các nguồn vốn khác có nguồn gốc từ ngân sách, ODA vào giao thông.
Dự kiến, năm 2015 con số vốn xã hội hóa cần có để đầu tư vào những công trình giao thông bức thiết khoảng 45 ngàn tỷ đồng. Giai đoạn từ 2016 đến 2020, dự kiến sẽ cần một nguồn vốn lớn ngoài ngân sách lên đến khoảng 235 ngàn tỷ đồng.
Trở lại với Đồng Nai, ngoài những công trình được Chính phủ và Bộ Giao thông - vận tải thực hiện, tỉnh cũng đang đứng trước nhu cầu bức thiết về vốn đầu tư cho giao thông, đặc biệt ở những tuyến đường quan trọng có tính kết nối trên địa bàn mà Đồng Nai phải tự lo. Trong danh sách những công trình giao thông quan trọng tỉnh phải tự tìm vốn đầu tư trong năm 2015 nổi lên một số công trình bức thiết, cần hoàn thành sớm, bao gồm: đường 769; giai đoạn 3 đường liên huyện Vĩnh Cửu - Trảng Bom; đường 765 (huyện Xuân Lộc); cải tạo hương lộ 10; cầu Đắk Lua (huyện Tân Phú); BOT đường 768 (huyện Vĩnh Cửu); đường 319 nối với cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (huyện Nhơn Trạch); cầu An Hảo (TP.Biên Hòa), đường 25B (huyện Nhơn Trạch)... Trong đó, có 3 dự án được xem là “nóng” hiện nay và được dư luận quan tâm nhất là cầu An Hảo bắc qua sông Cái, dự án mở rộng đường 25B và dự án nối dài đường 319.
Chưa có thống kê chính thức, nhưng số tiền cần cho những công trình của tỉnh cũng được ước tính lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Thực tế, xã hội hóa cũng gần như là phương cách duy nhất để huy động vốn cho hạ tầng giao thông, song không dễ để tìm nhà đầu tư chịu bỏ tiền cho những dự án cấp tỉnh đầu tư, bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là những tuyến đường tỉnh “lớn không lớn, nhỏ không nhỏ” rất khó tính toán để thu phí, thậm chí khó tính toán được sự tăng trưởng về lượng xe lưu thông, trong khi số tiền bỏ ra đầu tư không nhỏ. Thêm nữa, việc xã hội hóa khắp nơi làm trạm thu phí “mọc” lên liên tục, dày đặc cũng có khả năng khiến người dân phản ứng, dù nhu cầu đi lại là cần thiết. Theo tính toán, với một dự án đầu tư hạ tầng giao thông, thời gian thu phí kéo dài trên 25 năm, được cho là thiếu hiệu quả và nhiều ngân hàng, doanh nghiệp sẽ không dám đầu tư.
Do đó, vốn đầu tư cho giao thông vẫn đang là một ưu tư lớn.
Vi Lâm