Báo Đồng Nai điện tử
En

Hy vọng mới cho giá sữa?

11:03, 02/03/2015

Một trong những chính sách mới được quan tâm là Nghị định 100/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo, chính thức có hiệu lực từ 1-3-2015.

Một trong những chính sách mới được quan tâm là Nghị định 100/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo, chính thức có hiệu lực từ 1-3-2015.

Trước hết, nghị định nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm trong kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ, nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trên cơ sở khuyến khích và bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ. Nhưng nghị định cũng được kỳ vọng sẽ giúp giảm giá sữa khi các quy định sẽ buộc các hãng sữa cắt bỏ hoàn toàn chi phí quảng cáo, tiếp thị cho các sản phẩm sữa cho trẻ dưới 24 tháng - chi phí lâu nay được cho là rất lớn và khiến giá sữa tăng không ngừng.

Nghị định 100 nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng. Cụ thể, nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo dưới mọi hình thức; sử dụng hình ảnh bào thai hoặc trẻ nhỏ trong quảng cáo sữa dùng cho phụ nữ mang thai.

Nghị định vẫn cho phép các hãng sản xuất - kinh doanh quảng cáo thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, nhưng phải tuân theo một số quy định nghiêm ngặt.

Nghị định cũng định nghĩa rõ ràng các khái niệm “sữa”, “thức ăn bổ sung”, “sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ”… để “chặn đầu” trò chơi đánh tráo câu chữ của các hãng sữa như đã từng xảy ra trước đây khi nhà quản lý ban hành các quy định nghiêm cấm việc tăng giá sữa.

Thực tế, nghị định này dựa trên nhận thức là các hãng sữa đã chi quá nhiều tiền cho hoạt động quảng cáo, rồi từ đó lập lờ trong bảng khai chi phí để tăng giá sữa vô tội vạ. Báo Người lao động trong 1 bài phân tích giá sữa đăng tải vào cuối tháng 12-2014 đã trích một nghiên cứu của Bộ Công thương cho rằng, chi phí quảng cáo, tiếp thị, các hoạt động khuyến mãi, tặng quà, chiết khấu… cho đại lý của các hãng sữa luôn cao hơn 1,5-2 lần mức quy định về chi phí quảng cáo tại Việt Nam và đều được tính vào giá thành sản phẩm. Khi liệt kê chi phí để giải trình, các hãng sữa lại cố tình làm nhẹ đi phần chi phí này, thay vào đó “đổ thừa” cho thuế, giá xăng, giá điện… đã làm tăng giá sản phẩm của họ, trong khi đó chỉ là yếu tố rất nhỏ trong cấu thành giá sữa.

Cũng theo Bộ Công thương, hiện giá sữa ở Việt Nam cao gấp đôi Malaysia và gấp 1,5 lần so với Thái Lan và các luật, pháp lệnh hay những văn bản hành chính tạm thời được ban hành nhằm ngăn chặn việc tăng giá sữa vô tội vạ đã không hiệu quả. Do đó, Nghị định 100 ra đời nhằm góp thêm một công cụ siết chặt tăng giá sữa, bằng cách “đánh thẳng” vào phần chi phí quảng cáo của nhiều hãng sữa.

Tuy nhiên, mới chỉ có hiệu lực được 2 ngày và bộ phận makerting “sừng sỏ” của những hãng sữa lớn vẫn chưa “tung” ra biện pháp đối phó nào. Tuy vậy, nỗ lực của cơ quan quan lý cũng đáng để ghi nhận và kỳ vọng.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều