Báo Đồng Nai điện tử
En

Cái khó ló cái khôn

10:03, 23/03/2015

Với khoảng 6,5 triệu đồng, người tiêu dùng có thể mua cho gia đình mình một giàn trồng rau thủy canh tiện lợi và dễ sử dụng, đáp ứng được ít nhất 30-40% nhu cầu rau sạch của gia đình.

Với khoảng 6,5 triệu đồng, người tiêu dùng có thể mua cho gia đình mình một giàn trồng rau thủy canh tiện lợi và dễ sử dụng, đáp ứng được ít nhất 30-40% nhu cầu rau sạch của gia đình. Tại Đồng Nai, giàn trồng rau đặc biệt này đang được bày bán tại Hội chợ công nghệ, thiết bị và thương mại vùng Đông Nam bộ tổ chức tại TP. Biên Hòa.

Nắm bắt nhu cầu sử dụng rau sạch (và nỗi sợ hãi phải mua và ăn rau bẩn) của người tiêu dùng thành thị, một số doanh nghiệp trong nước đã đưa ra thị trường sản phẩm giàn trồng rau thủy canh. Với ưu điểm cần ít diện tích nên có thể đặt trong sân, lan can nhà, trên sân thượng... và được thiết kế gồm các khung đựng nước chạy dài bên trên có những lỗ để đựng các chậu rau. Mỗi giàn thiết kế có thể trồng được khoảng 100 chậu rau và dễ dàng di chuyển khi cần thay đổi nơi đặt. Trên một giàn, có thể trồng được nhiều loại rau khác nhau.

Muốn trồng rau, chỉ cần cho hạt giống vào chậu, khi nảy mầm chừng 3-4cm, bỏ vào hệ thống thủy canh để rau sống bằng nước. Trong nước có pha dung dịch làm dưỡng chất nuôi cây. Sau 4-5 tuần có thể thu hoạch rau. Giàn trồng rau thủy canh có thể trồng rau cải ngọt, xà lách, rau muống, tần ô, dền, mồng tơi, các loại rau thơm...

Sản phẩm này ngay lập tức được quan tâm, tương tự những sản phẩm khác cùng mục đích, như: máy làm giá đỗ, máy làm sữa đậu nành, máy cán mì sợi…và ở một góc nhìn kinh doanh, thì đây đúng là những cách làm khôn ngoan khi nắm được xu hướng và tâm lý người tiêu dùng trong một thị trường có quá nhiều nghi vấn về độ sạch của thực phẩm.

Hiện tại, nhiều gia đình thành thị đã cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi thực phẩm bẩn bằng nhiều cách. Trong đó, có nhiều gia đình “tự cung tự cấp” bằng cách trồng rau quả, thậm chí trái cây trên sân thượng, tự ủ giá đỗ, tự xay bột cán mì sợi, tự nấu nước sâm, tự làm tôm khô, mực khô… hoặc tìm cách kết nối và trao đổi với nhau những loại thực phẩm sạch (thường gọi một cách “thời thượng” là orgarnic) để hạn chế phần nào những loại thực phẩm đầy nghi vấn vẫn bán thường xuyên ở chợ.

Cái khó ló cái khôn, những sản phẩm thông minh, nhanh nhạy đáp ứng nhu cầu thị trường, làm cho người nội trợ đỡ vất vả trong việc bảo vệ sức khỏe gia đình. Nhưng “cái khôn” này đồng thời lại chỉ ra những thất bại chưa sửa chữa được nhiều trong việc kiểm soát chất lượng thực phẩm lưu hành trên thị trường của những nhà quản lý.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều