Với nhiều người, vẫn có một chút băn khoăn khi các siêu thị và nhiều chợ truyền thống ở khu vực đô thị luôn luôn công bố hàng Việt Nam chiếm đến 85-90% cơ cấu hàng hóa của họ.
Với nhiều người, vẫn có một chút băn khoăn khi các siêu thị và nhiều chợ truyền thống ở khu vực đô thị luôn luôn công bố hàng Việt Nam chiếm đến 85-90% cơ cấu hàng hóa của họ. Số liệu này xuất hiện tràn lan trên mặt báo, theo cả vào trong những báo cáo tổng kết về cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt hàng năm như một bằng chứng đáng vui mừng về tỷ lệ người dân tiêu dùng hàng Việt tăng mạnh. Chưa ai thực sự kiểm soát hay chứng minh gì về con số trên, song chỉ cần quan sát kỹ có thể thấy trong 85-90% hàng hóa Việt Nam đó, tỷ lệ hàng hóa thuộc các thương hiệu “thuần Việt” không nhiều.
Dù có nhiều định nghĩa về hàng Việt, trong đó phổ quát nhất là hàng Việt là hàng được sản xuất tại Việt Nam, bất kể các nhãn hàng đó thuộc về ông chủ nào. Nhưng ngay bà Vũ Kim Hạnh, người sáng lập chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao nhiều lần cũng phải nhấn mạnh, hàng Việt và thương hiệu Việt khác nhau. Điểm khác biệt đơn giản nhất ở chỗ, nếu là thương hiệu Việt doanh nghiệp (DN) có quyền xuất khẩu sang nhiều nước và hàng hóa đó vẫn là thương hiệu của Việt Nam, trong khi đó hàng trăm nhãn hàng khác dù sản xuất tại Việt Nam, được gọi là hàng Việt Nam nhưng trên thị trường, ai cũng hiểu nhãn hàng đó là nhãn hàng của Mỹ, Đức, Nhật Bản... Đơn cử, tại các thị trường châu Á, hãng Unilever có đến hơn 400 nhãn hàng tiêu dùng, từ hóa phẩm, mỹ phẩm đến nước uống, thực phẩm khô, như: Dove, OMO, Pond’s, Knorr, Lifebuoy, Lipton, Lux, Cif, Sunsilk... vốn đã rất quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam hai chục năm nay, “phủ sóng” từ thành thị đến nông thôn. Tương tự, các tập đoàn hàng tiêu dùng khác, như: P&G, Masan, Johnson & Johnson, Pepsi, Coca Cola, Unza… cũng không hề kém cạnh và phải thừa nhận, với hàng trăm nhãn hàng cùng sự lão luyện về quảng cáo, bán hàng, thì con số 90% hàng Việt của các chợ hay siêu thị, phần lớn thuộc về các nhãn hàng của nhà đầu tư nước ngoài.
Nhắc lại những khác biệt cần xem xét nói trên để thấy rằng, hàng Việt mà sâu xa hơn là thương hiệu Việt, nhãn hàng của DN Việt thực sự đang đứng trước những thách thức lớn khi phải cạnh tranh với quá nhiều “người khổng lồ” ngay tại thị trường trong nước. Và không chỉ có thế, với những hiệp định đối tác kinh tế song phương, đa phương mà Việt Nam đã và đang ký kết, thách thức càng lớn hơn khi không chỉ các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ, Anh, Hà Lan, Nhật Bản tham gia thị trường Việt Nam như đã làm hàng chục năm qua, mà các nhãn hàng tiêu dùng từ Singapore, Thái Lan, Malaysia, với sự am hiểu về “gu” tiêu dùng của người châu Á, sau một thời gian thăm dò thị trường sẽ chính thức “đổ bộ”, như trường hợp của một vài tập đoàn đến từ Thái Lan mà báo chí đã nhắc nhiều trong thời gian qua.
Câu hỏi lớn nhất là liệu các nhà sản xuất, các thương hiệu “thuần Việt” đã lớn mạnh đến đâu, sức cạnh tranh thế nào khi đến giờ nhiều DN vẫn phải thừa nhận là “chưa chuẩn bị được gì nhiều vì mấy năm qua vẫn phải vất vả để tồn tại”. Không phủ nhận, nhiều thương hiệu Việt đã vượt qua chính mình khá ngoạn mục và người tiêu dùng đã nhớ mặt, điểm tên khi mua hàng, nhưng số đó không nhiều. Đa phần vẫn là DN nhỏ với sản xuất quy mô nhỏ và không có đủ tiền làm thương hiệu. Trước một cuộc chơi lớn, họ có thể mất nhiều hơn được vì về lâu dài, người tiêu dùng sẽ phải dùng hàng hóa chất lượng, hợp túi tiền và có thương hiệu, dù họ có muốn ủng hộ hàng Việt đến đâu.
Vi Lâm