Năm 2011, Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (giai đoạn 2011-2015), danh sách 9 ngân hàng phải tái cơ cấu, gồm: HabuBank, SCB, TinNghiaBank, FicomBank, TPBank, TrustBank, NaviBank, WesternBank và GPBank.
Năm 2011, Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (giai đoạn 2011-2015), danh sách 9 ngân hàng phải tái cơ cấu, gồm: HabuBank, SCB, TinNghiaBank, FicomBank, TPBank, TrustBank, NaviBank, WesternBank và GPBank.
Tính đến hiện tại, Ngân hàng Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Ngân hàng Đệ Nhất (FicomBank) đã hợp nhất và kết quả hoạt động của năm 2014 được đánh giá là khá khả quan. Ngân hàng Nam Việt (NaviBank), sau khi tự cơ cấu lại đã đổi tên thành Ngân hàng Quốc dân (NCB). Tương tự, Ngân hàng Tiên Phong (TienPhongBank) và Đại Tín (TrustBank) cũng chọn cách tự tái cơ cấu thông qua việc tăng mạnh vốn điều lệ từ các cổ đông. Ngoài ra, Ngân hàng nhà Hà Nội (HabuBank) đã sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Bên cạnh đó, Ngân hàng Phương Tây (WesternBank) cũng đã tiến hành hợp nhất với Tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí (PVFC).
Trong số 9 tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đưa vào danh sách tái cơ cấu đợt 1, hiện chỉ còn Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) là chưa cụ thể thông tin. Theo đó, GPBank sẽ bán 100% cổ phần cho một đối tác nước ngoài và đang trong quá trình hoàn tất thủ tục.
Ngoài ra, thị trường còn chứng kiến thương vụ hợp nhất tự nguyện giữa Ngân hàng Đại Á (DaiABank, trụ sở tại Đồng Nai) và Ngân hàng phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank) thành thương hiệu duy nhất là HDBank với mục đích nâng cao chất lượng hoạt động.
Trong hội nghị tổng kết của một ngân hàng lớn tại Hà Nội vào cuối tháng 12-2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã nói rõ, kể từ năm 2015, hệ thống tổ chức tín dụng sẽ bước vào giai đoạn 2 của quá trình sắp xếp và tái cơ cấu, trong đó nửa đầu năm 2015 được xác định là thời gian cao điểm và tất cả các ngân hàng lớn phải vào cuộc - xem như nhiệm vụ phải làm. Thống đốc khuyến khích các ngân hàng lớn, như: Vietcombank, BIDV hay Vietinbank tham gia sáp nhập với các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn để vừa hỗ trợ, vừa tăng quy mô và “kéo” nhau cùng phát triển.
Trước mắt, những thương vụ sáp nhập hoặc mua bán theo hình thức khuyến khích hoặc tự nguyện tham gia được thị trường quan tâm có thể kể đến, như: thương vụ sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào SacomBank; tái cấu trúc Ngân hàng Xây dựng (VNCB); sáp nhập Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) với một ngân hàng lớn; sáp nhập vài ngân hàng nhỏ với Vietcombank và BIDV...
Cùng với việc xác định 2015 sẽ là năm then chốt trong tái cơ cấu hệ thống, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tạo điều kiện đẩy nhanh hoạt động sáp nhập, mua lại các tổ chức tín dụng trên cơ sở tự nguyện và đúng luật. Trong đó, vai trò của các ngân hàng thương mại nhà nước chi phối vốn sẽ rất lớn khi tham gia vào quá trình sáp nhập, hợp nhất và mua lại những đơn vị yếu kém. Theo đó, tất cả những ngân hàng yếu kém, không có triển vọng phục hồi sẽ bị xử lý dứt điểm, kể cả khi phải áp dụng các biện pháp giải thể, phá sản hoặc các biện pháp can thiệp bắt buộc khác.
Từ quyết tâm cải tổ hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, dự kiến thị trường năm 2015 có nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) hoặc tự cơ cấu sôi động và nhiều biến đổi.
Vi Lâm