Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng cho nông thôn, đặc biệt là giao thông nông thôn là bước đột phá trong phong trào xây dựng nông thôn mới của Đồng Nai.
Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng cho nông thôn, đặc biệt là giao thông nông thôn là bước đột phá trong phong trào xây dựng nông thôn mới của Đồng Nai. Khi đi vào thực tế, chương trình này cũng tạo được sự đồng lòng, chung tay, chung sức của người dân. Tuy nhiên, trong đề án xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đặt ra chỉ tiêu về đầu tư giao thông nông thôn có nhiều điểm chưa sát với thực tế và kiến nghị được điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp nhằm tránh lãng phí.
Trong hồ sơ đề nghị xét, công nhận xã nông thôn mới của nhiều địa phương đều đưa kiến nghị được điều chỉnh dời thời gian đầu tư một số dự án giao thông nông thôn chưa cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể, xã Xuân Thành (huyện Xuân Lộc) kiến nghị 3 tuyến đường, gồm: Xuân Thành - Trảng Táo, Xuân Trường - Trảng Táo, Tân Hữu - Trảng Táo với tổng chiều dài hơn 10 km được UBND tỉnh duyệt phải đầu tư trước năm 2015. UBND huyện kiến nghị được chuyển giai đoạn đầu tư sang 2016-2020. Nguyên nhân là do 3 tuyến đường này nằm trong khu nông trường cao su và đường đi rẫy không có dân cư sinh sống, đầu tư tốn nhiều kinh phí. Hiện trạng của các tuyến trên đang phối sỏi, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.
Xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) cũng kiến nghị điều chỉnh giai đoạn đầu tư cho dự án tuyến đường huyện Trị An - Vĩnh Tân dài 5,2km. Tuyến này nằm trong khu quy hoạch tái định cư dự án Cụm công nghiệp Trị An và di dời dân cư 2 xã Mã Đà, Hiếu Liêm, nhưng đến nay 2 dự án này vẫn chưa triển khai nên việc đầu tư trong giai đoạn hiện nay là chưa cần thiết.
Đây cũng là vấn đề chung của nhiều địa phương trong đầu tư xây dựng nông thôn mới, nhất là trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, chia sẻ: “Khi lập quy hoạch đầu tư, địa phương tính đến tầm nhìn dài hạn nên khi triển khai có những điểm quy hoạch trên giấy tờ sẽ không sát với tình hình thực tế. Và địa phương đã chủ động tổ chức họp HĐND các cấp, lấy ý kiến của nhân dân và kiến nghị lên tỉnh điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp nhằm tránh đầu tư gây lãng phí trong tình hình ngân sách còn khó khăn như hiện nay”.
Ông Võ Văn Phi, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, cho biết: “Chúng tôi xác định không chạy theo phong trào, không chỉ tập trung cho các xã điểm nông thôn mới để lấy thành tích mà triển khai đồng bộ trên toàn huyện, ưu tiên cho các dự án cấp thiết, dân cần sử dụng chứ không chỉ để đạt chỉ tiêu nông thôn mới. Tạo sự đồng thuận trong nhân dân đóng vai trò rất quan trọng để vận động người dân chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Chủ trương xây dựng nông thôn mới lâu bền, vững chắc, hợp lòng dân là chủ trương của lãnh đạo tỉnh. Do đó, cần phòng ngừa “bệnh nóng vội” trước khi gây lãng phí sức dân, ngân sách.
Bình Nguyên