Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiền mới không "hên"

09:01, 05/01/2015

Nhân viên tín dụng một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.Biên Hòa than, chưa tới Tết Nguyên đán mà khách hàng đã hỏi tiền mới, ai cũng tranh thủ dặn dò "phải để cho anh/chị một ít lì xì cho hên".

Nhân viên tín dụng một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.Biên Hòa than, chưa tới Tết Nguyên đán mà khách hàng đã hỏi tiền mới, ai cũng tranh thủ dặn dò “phải để cho anh/chị một ít lì xì cho hên”. Ai cũng là “khách hàng ruột”, “khách hàng thân thiết” trong thời buổi người khôn của khó, nên muốn hay không cũng phải ráng “canh” tiền mới về để chiều lòng họ.

Thời điểm này, nhiều đầu nậu chuyên kinh doanh tiền mới, tiền lẻ vào dịp tết cũng đang rục rịch gom hàng. Trên các trang mạng mở ra chuyên phục vụ nhu cầu đặc biệt này, phí chênh lệch đổi tiền cứ nóng theo từng ngày. Tùy từng năm, “mốt” tiền mới ngày một khác. Có năm thị trường chuộng tờ 2 USD, có năm chuộng tờ 5 và 10 ngàn mẫu cũ (bằng giấy). Năm nay, các đồng tiền 200 và 500 đồng mới lại đắt hàng, phí đổi 100 ngàn đồng mệnh giá 200 đồng mà một số trang mạng chào giá mấy ngày nay đã lên đến 80% (một trăm ngàn đồng chỉ đổi được 20 ngàn đồng mệnh giá 200 đồng). Các loại tiền mệnh giá 10 ngàn đồng; 20 ngàn đồng thì phí đổi xê dịch tùy thời điểm, cũng dao động 10-15%.

Về nguyên tắc, khi cung ứng tiền lẻ ra thị trường để lưu thông, Ngân hàng Nhà nước không phân biệt tiền “mới” hay tiền “cũ”. Tùy theo nhu cầu thị trường mà lượng tiền lẻ được phân bố hợp lý giữa các mệnh giá, không có chuyện cứ đến Tết Nguyên đán là Ngân hàng Nhà nước phải có nhiệm vụ “tung” tiền mới mệnh giá nhỏ ra để đáp ứng nhu cầu. Vậy, nguồn tiền lẻ, tiền mới tràn lan trên thị trường với số lượng nhiều ở đâu ra? Có nơi trả lời từ ngân hàng, có nơi bảo do... để dành, nơi thì cho biết từ kho bạc... Dù sao, việc buôn bán, đổi chác tiền lẻ, tiền mới có thu phí vẫn là hành vi trái pháp luật.

Tuy vậy, có cung thì có cầu. Không hiểu từ lúc nào, quan niệm cứ tới Tết Nguyên đán thì phải tìm đổi, hoặc thậm chí mua cho được tiền mới để lễ chùa, mừng tuổi mới gọi là “hên”. Đi lễ chùa cũng muốn dùng tiền mới. Sau một mùa lễ hội đầu năm, tiền lẻ tràn ngập sân chùa, có những ngôi chùa phải dùng bao tải đựng tiền lẻ để mang tới ngân hàng với số lượng lên đến hàng tỷ đồng. Ngay cả chuyện lì xì lễ nghĩa, quan niệm “mới - cũ - hên - xui” cũng chi phối nhiều gia đình một cách kỳ lạ, trong khi phong tục mừng tuổi với tất cả những ý nghĩa tốt đẹp của nó chưa bao giờ “quy định” phải là tiền mới.

Sau một mùa lễ, tết với tiền lẻ, tiền mới vung vãi, ai nấy trở lại cuộc sống bình thường với cơm áo gạo tiền, học hành chữa bệnh, chẳng liên quan gì đến chuyện “hên - xui” từ tờ tiền mới đầu năm cả. Một loại hủ tục nên bài trừ.

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều