Báo Đồng Nai điện tử
En

Thu kiểu gì?

10:12, 15/12/2014

Như mọi ngành kinh doanh khác, kinh doanh qua mạng cũng phải đăng ký và đóng thuế và Việt Nam đã có hành lang pháp lý cho việc thu thuế từ kinh doanh qua mạng.

Như mọi ngành kinh doanh khác, kinh doanh qua mạng cũng phải đăng ký và đóng thuế và Việt Nam đã có hành lang pháp lý cho việc thu thuế từ kinh doanh qua mạng. Tuy nhiên, những quy định gần như chưa theo kịp thực tế, khi những công cụ phục vụ kinh doanh thông qua internet luôn phát triển, thay đổi hàng ngày. Chính vì vậy, trừ các trang thương mại điện tử được đăng ký ổn định, lâu nay, kinh doanh online thông qua các diễn đàn hay mạng xã hội được xem như một “vùng trắng” của cơ quan quản lý, trong đó quan trọng nhất là khâu quản lý chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và thu thuế.

Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2013 của Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (VECITA, Bộ Công Thương) công bố hồi đầu quý II-2014 cho biết năm 2013, doanh thu toàn lĩnh vực này trên cả nước đã đạt 2,2 tỷ USD, tương đương mức chi trung bình 120 USD cho mỗi người dân. Dự báo đến năm 2015, mỗi người Việt sẽ chi trung bình 150 USD cho thương mại điện tử mỗi năm, đẩy doanh thu ước tính của 2015 lên khoảng 4 tỷ USD.

Với hàng chục ngàn tỷ đồng doanh thu hàng năm, tìm cách thu thuế dĩ nhiên là vấn đề quan tâm của cơ quan quản lý. Mới đây nhất, Bộ Công thương đã cho ra Thông tư 47/2014/TT-BCT, trong đó quy định từ ngày 20-1-2015, tất cả các website thương mại điện tử, kể cả các mạng xã hội có hoạt động kinh doanh (chẳng hạn: mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ...) phải tiến hành đăng ký với Bộ dưới hình thức sàn giao dịch điện tử; cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thông tư chưa thực hiện song đã có quá nhiều quan ngại rằng, sẽ khó khả thi. Ở đây chỉ nêu lên khía cạnh kinh doanh qua mạng xã hội, điển hình là Facebook- mạng xã hội có số người dùng lớn nhất Việt Nam hiện nay. Ai cũng có thể kinh doanh qua Facebook, từ hàng thời trang-mỹ phẩm, đồ công nghệ và điện tử, đồ gia dụng, nông sản, thậm chí thuốc và các sản phẩm liên quan đến sức khỏe... Tuy nhiên đến giờ này, hầu như chưa 1 người kinh doanh qua Facebook nào bị đánh thuế. Thông tư mới rõ ràng muốn quản lý đối tượng này, nhưng xem ra không dễ. Thứ nhất, nhiều trang Facebook có máy chủ đặt ở nước ngoài, trong khi nếu phối hợp hoàn hảo giữa Bộ Công thương - Bộ Thông tin - truyền thông và Tổng cục Thuế, họ cũng chỉ quản được những trang Facebook có máy chủ đặt tại Việt Nam. Thứ hai, thông tin cá nhân trên trang Facebook (không phải Fanpage) rất khó xác định, từ tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại… và người dùng có thể bỏ ngang trang Facebook đó bất kỳ lúc nào, mỗi người thậm chí có thể tạo hàng chục Facebook nếu họ muốn.

Ngay cả khi đã xác định được chủ thể kinh doanh qua Facebook, thì việc quản lý chính xác doanh thu để nộp thuế cũng là một rào cản. Có rất nhiều người kinh doanh qua Facebook hiện tại giao dịch bằng tiền mặt, mà theo thống kê của VECITA là 74%.

Thông tin kinh doanh qua mạng xã hội sẽ bị đánh thuế hiện vẫn đang gây xôn xao, đặc biệt trong giới kinh doanh bằng Facebook, song thực tế sẽ khó thu được nguồn thuế này, trừ khi các bộ, ngành, như: Bộ Công thương, Bộ Thông tin - truyền thông, ngân hàng, các đơn vị trung gian thanh toán và ngành thuế phối hợp với nhau một cách hoàn hảo!

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều