Xuyên suốt năm 2014, nhà đầu tư vẫn e dè với chứng khoán, bất động sản, trái phiếu, vàng, USD... và số tiền đầu tư vào các kênh nói trên không quá đột biến.
Xuyên suốt năm 2014, nhà đầu tư vẫn e dè với chứng khoán, bất động sản, trái phiếu, vàng, USD... và số tiền đầu tư vào các kênh nói trên không quá đột biến. Tuy vậy, tiền gửi vào két sắt các ngân hàng vẫn tăng đều, dù lãi suất huy động đã xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Kênh ngân hàng vẫn là kênh mà người có tiền tin cậy chọn làm chỗ “trú ẩn” trong những lúc kinh tế khó khăn.
Theo tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, huy động vốn cả nước tính đến cuối tháng 12-2014 đã tăng 15,76 % so với cuối năm 2013 và đặc biệt tăng cao ở khu vực tiền gửi dân cư. Tại Đồng Nai, huy động vốn cũng tăng đến 20,17% so với năm 2013. Điều này cho thấy tiền vẫn đổ vào các ngân hàng mạnh mẽ, dù lãi suất huy động giảm liên tục. Bên cạnh đó, cho vay năm 2014 của các tổ chức tín dụng trên cả nước tăng 12,62%, Đồng Nai tăng trên 16% so với cuối năm 2013.
Xét trên thực tế, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng của các ngân hàng hiện tại chỉ dao động ở mức 4-5%/năm và trên 6 tháng khoảng 6-7%/năm - thấp nhất kể từ năm 2008 đến nay. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 đã giảm 0,24%, đồng nghĩa với CPI năm 2014 chỉ tăng 1,84% so với thời điểm cuối năm 2013 - mức tăng thấp kỷ lục trong 13 năm gần đây. Như vậy, so với mức tăng CPI, lãi suất tiền gửi vẫn cao hơn 2-3% (kỳ hạn dưới 6 tháng) và 4-5% (kỳ hạn trên 6 tháng). Nhiều ý kiến cho rằng mức chênh lệch này vẫn khá hợp lý và người gửi tiền vẫn có lời, nếu chưa chọn được kênh đầu tư sinh lợi nào hấp dẫn hơn.
Theo nhiều đánh giá, vì CPI năm 2014 chỉ tăng dưới 2% nên kênh tiết kiệm vẫn là kênh mà người có tiền quan tâm nhất trong năm tới, bởi tính an toàn và bảo toàn đồng vốn cao hơn so với các kênh đầu tư khác, dù lợi nhuận không quá đột biến. Tuy vậy, điều này chứng tỏ các kênh đầu tư khác chưa mấy hấp dẫn, thêm vào đó, năm 2014 đã chứng kiến một năm mà nhiều ngân hàng phải “chạy” chỉ tiêu nhằm giải phóng vốn tồn kho do vay ít, gửi nhiều - điều không mấy “vui vẻ” cho nền kinh tế.
Vi Lâm