Cuộc trò chuyện giữa người viết và ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn gần đây, xoay quanh vấn đề làm sao để tổ chức sản xuất lớn từ nền tảng một nền nông nghiệp manh mún về cả đất đai lẫn tư duy sản xuất.
Cuộc trò chuyện giữa người viết và ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn gần đây, xoay quanh vấn đề làm sao để tổ chức sản xuất lớn từ nền tảng một nền nông nghiệp manh mún về cả đất đai lẫn tư duy sản xuất. Trước hết, sản xuất lớn cần diện tích lớn. Hàng chục ngàn nông dân tại Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung đều sản xuất một số nông sản quen thuộc: điều, xoài, cacao, cà phê, lúa... nhưng mỗi người theo mỗi kiểu, mỗi nông dân áp dụng một quy trình và loại giống khác nhau, trên những diện tích dao động từ vài trăm đến hàng chục ngàn m2.
Ai cũng hiểu, cần liên kết nông dân lại, trước mắt thông qua chương trình cánh đồng lớn.
Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã có một số quy hoạch cụ thể để xây dựng nhiều cánh đồng lớn dựa trên ưu điểm của từng loại nông sản trên từng vùng thổ nhưỡng khác nhau. Đơn cử là dự án vùng nguyên liệu mía (Vĩnh Cửu); dự án cây ca cao ở Thống Nhất; dự án cây điều ở An Viễn (Trảng Bom) hay cà phê 4C ở Xuân Lộc, Tân Phú…
Nhưng liên kết theo kiểu cơ học chưa đủ. Cần có những doanh nghiệp hoặc hợp tác xã “đứng mũi chịu sào”, đảm bảo hàng chục nông dân tham gia cánh đồng lớn phải cùng cho ra những sản phẩm đồng đều về quy trình, giống, chất lượng... Và đặc biệt, phải tìm ra được nhu cầu thị trường và nơi tiêu thụ. Hiện tại, khó lòng trông mong ở các hợp tác xã bởi nhiều lý do. Do đó, các doanh nghiệp được mời chào, khuyến khích tham gia chuỗi liên kết này.
Nhưng mời chào họ không dễ. Cả chục loại nông sản được trù tính sẽ ứng dụng mô hình cánh đồng lớn trong toàn tỉnh nhưng mới chỉ có 4 doanh nghiệp tham gia chủ động, bao gồm: Công ty mía đường Biên Hòa, Công ty ca cao Trọng Đức, Công ty Thái Ninh Địa Long tham gia làm dự án với mía, ca cao, lúa. Còn lại, ông Đạo nói, phải thừa nhận là khó huy động doanh nghiệp, dù Đồng Nai nói riêng và Chính phủ nói chung đã có những chính sách ưu đãi tương đối cụ thể để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Có nhiều lý do để doanh nghiệp vẫn thờ ơ với việc tham gia chuỗi liên kết, trong đó phải kể đến vấn đề lòng tin giữa doanh nghiệp và nông dân chưa thực sự tốt. Còn nhớ cách đây gần 10 năm, một doanh nghiệp tại Đồng Nai đã “ngậm quả đắng” khi đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sầu riêng cho hàng ngàn nông dân tại Đồng Nai, Đắk Lắk, Lâm Đồng… Hợp đồng đã ký, tiền đầu tư đã bỏ ra, song đến mùa thu hoạch, nông dân phá hợp đồng bán sầu riêng ra ngoài cho thương lái vì giá cao hơn chút đỉnh.
Và thực tế tại nhiều địa phương khác, chuyện nông dân “phá rào” hay thậm chí doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người” khi gặp khó khăn là điều chẳng hiếm.
Sự ràng buộc về trách nhiệm và chế tài cho cả 2 bên nông dân lẫn doanh nghiệp là điều cần thiết và cần quan tâm bậc nhất, bởi thấy rõ lợi ích và có chế tài đảm bảo quyền lợi khi tham gia là điều cốt lõi để một tổ chức hay cá nhân quyết định có tham gia hay không.
Cũng có ý kiến cho rằng, trước mắt nên vận động các doanh nghiệp có vốn nhà nước tham gia, trước mắt là hỗ trợ nông dân. Song xét cho cùng, điều này không nên được áp dụng rộng rãi. Vì ngay cả doanh nghiệp nhà nước cũng phải xem xét lợi ích sòng phẳng khi tham gia liên kết, họ cũng bị chi phối bởi các chỉ tiêu kinh doanh lời - lỗ, và thậm chí trách nhiệm còn nặng nề hơn bởi họ đang kinh doanh bằng đồng tiền của nhân dân. Cần chuẩn bị kỹ càng về chính sách và khung pháp lý để doanh nghiệp - bất kể có vốn nhà nước hay không - tự nguyện tính toán, tham gia và chịu trách nhiệm một cách sòng phẳng mới là chuyện lâu dài.
Vi Lâm