Báo Đồng Nai điện tử
En

Lãng phí lớn

10:12, 03/12/2014

Con số 174 ngàn cử nhân thất nghiệp của cả nước từ đầu năm đến nay vừa được Bộ Lao động - thương binh và xã hội công bố khiến dư luận phải giật mình. Con số này lại một lần nữa khẳng định những bất cập trong công tác đào tạo và sử dụng lao động; giữa cung và cầu lao động của nước ta hiện nay.

Con số 174 ngàn cử nhân thất nghiệp của cả nước từ đầu năm đến nay vừa được Bộ Lao động - thương binh và xã hội công bố khiến dư luận phải giật mình. Con số này lại một lần nữa khẳng định những bất cập trong công tác đào tạo và sử dụng lao động; giữa cung và cầu lao động của nước ta hiện nay.

Lý giải tỷ lệ thất nghiệp của cử nhân gia tăng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng mặc dù trong năm 2014, nền kinh tế của đất nước đã có dấu hiệu phục hồi song vẫn chưa vượt qua được những khó khăn. Trong đó, đáng lưu ý là tiến độ tái cấu trúc nền kinh tế còn chậm, số lượng các doanh nghiệp giải thể tăng cao (10 tháng năm 2014 cả nước có tới 48 ngàn doanh nghiệp phá sản) kéo theo hàng ngàn lao động bị mất việc làm. Số doanh nghiệp thành lập mới lại không nhiều, chưa kể, để tiết kiệm chi phí, nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển dụng lao động phổ thông. Ở khu vực kinh tế nhà nước, theo lộ trình tinh giảm biên chế không tuyển mới lao động khiến cơ hội kiếm việc làm của cử nhân mới ra trường càng hẹp.

Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận tình trạng cử nhân phải cất bằng đại học để làm công nhân vì không kiếm được việc làm phù hợp đang gia tăng. Điều này có lỗi từ các cơ sở đào tạo khi tuyển sinh những ngành nghề mà xã hội không có nhu cầu và sự thụ động của chính những cử nhân khi phải tự tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình. Lý giải này của Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội không sai nhưng chưa đủ, bởi thực tế Việt Nam thiếu hẳn một tầm nhìn chiến lược về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc chúng ta không dự báo được diễn biến của thị trường lao động, khả năng cung ứng của các cơ sở đào tạo, ngành nghề mà xã hội đang thiếu, đang cần... Việc tuyển sinh tràn lan, học theo phong trào mà không có định hướng đã đẩy người lao động dù có bằng cử nhân vẫn thất nghiệp là điều dễ hiểu.

“Cất bằng đại học làm công nhân thì cũng là việc làm” - Bộ trưởng  Phạm Thị Hải Chuyền đã nói như thế. Tuy nhiên, có lẽ Bộ trưởng chưa nghĩ tới công sức và tiền bạc mà các cử nhân đã phải bỏ ra trong suốt 4-5 năm trời. Đó là sự lãng phí lớn mà cuối cùng, thiệt thòi nhất vẫn là người dân.

Minh Ngọc

 

Tin xem nhiều