Gần đây, Chính phủ có hàng loạt chính sách ưu đãi để thu hút phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước đang "trải thảm đỏ" để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các ngành Việt Nam đang phải nhập khẩu với số lượng lớn, như: nguyên phụ liệu cho ngành giày dép, may mặc, ô tô, thiết bị lắp ráp các loại máy móc phục vụ cho công nghiệp, nông nghiệp...
Gần đây, Chính phủ có hàng loạt chính sách ưu đãi để thu hút phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước đang “trải thảm đỏ” để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các ngành Việt Nam đang phải nhập khẩu với số lượng lớn, như: nguyên phụ liệu cho ngành giày dép, may mặc, ô tô, thiết bị lắp ráp các loại máy móc phục vụ cho công nghiệp, nông nghiệp... Các doanh nghiệp nước ngoài tìm đến Việt Nam để đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ 1-2 năm gần đây tăng. Trong đó, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương là 3 tỉnh, thành trong tốp đầu của cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên nhiều lĩnh vực, trong đó có công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lại tỏ ra băn khoăn trước việc tỉnh nào cũng thu hút công nghiệp hỗ trợ mà thiếu quy hoạch vùng. Điều này dễ dẫn đến sự phân bố thiếu hợp lý, chẳng hạn trong ngành công nghiệp hỗ trợ, chỉ riêng nguyên phụ liệu cho may mặc có hàng chục loại, như: chỉ, khóa, nút, mực in, vải, khuôn in... Nếu không có quy hoạch vùng để cân đối, có thể sau vài năm nữa Việt Nam vẫn là nước phải nhập khẩu nguyên phụ liệu nhiều. Lý do là không có quy hoạch vùng, tỉnh nào cũng thu hút công nghiệp hỗ trợ nhưng không có sự phân bổ hài hòa. Ví như Đồng Nai đã thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất phục vụ cho ngành may mặc thì Bình Dương sẽ thu hút đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu cho giày dép và TP. Hồ Chí Minh là những ngành khác không trùng lắp. Như vậy, sẽ có sự đồng bộ trong việc cung cấp nguyên phụ liệu cho sản xuất để giảm nhập khẩu. Còn không, rất dễ xảy ra tình trạng thừa nhưng vẫn thiếu nguyên phụ liệu sản xuất cho nhiều ngành, vì có khi cùng một lĩnh vực nhiều tỉnh đều mời gọi đầu tư, trong khi có những ngành lại bỏ trống.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã ký kết 8 hiệp định thương mại tự do và 7 hiệp định đang trong quá trình đàm phán, đây là cơ hội tốt để thu hút đầu tư. Theo một số ý kiến, tỉnh nào có lợi thế xuất khẩu nhóm hàng nào lớn và đang phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu thì nên kêu gọi đầu tư vào những mặt hàng mình đang nhập khẩu. Chẳng hạn như Đồng Nai, xuất khẩu giày dép, dệt may là hai mặt hàng có xuất khẩu trên 3 tỷ USD mỗi năm, trong khi nguyên phụ liệu cho ngành này lại nhập khẩu từ 60-95%, có đơn hàng nhập khẩu nguyên phụ liệu 100%. Để hạn chế nhập khẩu và được hưởng các ưu đãi về thuế quan và tăng lợi nhuận, giá trị cho sản xuất tỉnh nên ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư công nghiệp hỗ trợ cho ngành giày dép và dệt may. Có quy hoạch vùng trong thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, các tỉnh, thành sẽ tránh được tình trạng thừa nhưng vẫn thiếu.
Uyển Nhi