Báo Đồng Nai điện tử
En

Biển báo không có gì... lạ

09:11, 17/11/2014

Tấm ảnh chụp một chiếc biển báo giao thông tự phát trên đường Võ Thị Sáu, TP.Biên Hòa là một trong những tấm ảnh đắt khách nhất trên mạng xã hội tuần qua.

Tấm ảnh chụp một chiếc biển báo giao thông tự phát trên đường Võ Thị Sáu, TP.Biên Hòa là một trong những tấm ảnh đắt khách nhất trên mạng xã hội tuần qua. Người ta thấy hài hước, vui vui với dòng chữ cảnh báo: “Khu vực đông bợm nhậu qua đường”. Cơ quan chức năng đã xử lý kịp thời với biển báo tự phát này vì nó nằm ngoài những quy định quản lý nhà nước về biển báo giao thông. Nhưng câu chuyện về chiếc biển báo gợi lên những điều sâu xa hơn thế.

Tiêu thụ 3 tỷ lít bia và 68 ngàn lít rượu chỉ trong năm 2013 (số liệu do Tổ chức phi chính phủ HealthBridge tại Việt Nam công bố vào tháng 7-2014) đã “đưa” Việt Nam lên vị trí nước tiêu thụ bia lớn thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản. Thậm chí, lượng bia sản xuất trong nước không đủ cho người Việt uống, phải nhập khẩu thêm. Báo điện tử Dân Trí dẫn lời ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế), cho biết có đến đến 90% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia và cứ trong 4 người thì có 1 người sử dụng rượu, bia ở mức độ có hại, tương đương với 6 cốc bia hơi mỗi ngày.

Như một nghịch lý, trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chưa bao giờ là một thành tích đáng tự hào trong khu vực châu Á, thì tỷ lệ uống bia rượu lại luôn nằm trong nhóm dẫn đầu. Có lẽ vì vậy mà tờ trình của Chính phủ trong kỳ họp Quốc hội tháng 11-2014 đang diễn ra với đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cho các mặt hàng bia, rượu, thuốc lá đã được nhiều đại biểu Quốc hội hoan nghênh, thậm chí nhiều ý kiến còn muốn tăng mạnh hơn, nhanh hơn so với đề xuất của Chính phủ. Theo đó, về mặt hàng rượu, bia, tờ trình của Chính phủ đề xuất với rượu từ 200 trở lên tăng thuế suất từ 50% lên 65%; rượu dưới 200 áp dụng thuế suất 35% (tăng 10%). Đối với bia sẽ tăng theo lộ trình, từ ngày 1-7-2015 tăng thuế suất từ 50% lên 55%; từ ngày 1-1-2017 tăng lên 60%; từ ngày 1-1-2018 tăng lên 65%. Nhiều đại biểu nêu ý kiến nên tăng mạnh thuế rượu bia lên 5-10% nữa so với mức đề xuất.

Các quốc gia phát triển, gần nhất là Singapore, cũng đánh thuế bia rượu rất cao khiến mặt hàng này trở nên đắt đỏ và người uống phải cân nhắc. Hẳn là không thiếu những phàn nàn, phản biện, nhưng những chính sách này vẫn được đông đảo người dân chấp nhận và ủng hộ bởi họ dựa trên những quan ngại về sức khỏe, sự an toàn của người dân, trong đó có tai nạn giao thông. Chưa thể biết được nếu mỗi năm thuế tiêu thụ tăng thêm 5% hay 10% thì những người có nhu cầu có “run tay” khi trả tiền hay không, và liệu nếu bình quân 1 thùng bia lon tăng thêm 30-40 ngàn đồng thì các bợm nhậu có chùn bước hay không. Nhưng ít nhất, chú trọng đến việc tăng thuế nhằm giảm tiêu thụ rượu bia cũng là một thái độ đúng đắn của nhà quản lý.

Vi Lâm

Tin xem nhiều