Báo Đồng Nai điện tử
En

Ai đúng?

10:10, 07/10/2014

Cuộc tranh luận bắt đầu cách đây vài tuần khi "người hùng châu Á" Samsung đưa ra nhận xét là công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam yếu ớt đến nỗi không thể sản xuất ngay cả cục sạc pin và con ốc vít, dù nhu cầu của các nhà sản xuất đa quốc gia như Samsung tạo rất nhiều cơ hội.

Cuộc tranh luận bắt đầu cách đây vài tuần khi “người hùng châu Á” Samsung đưa ra nhận xét là công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam yếu ớt đến nỗi không thể sản xuất ngay cả cục sạc pin và con ốc vít, dù nhu cầu của các nhà sản xuất đa quốc gia như Samsung tạo rất nhiều cơ hội. Theo đó, với kim ngạch xuất khẩu gần 24 tỷ USD của năm 2013 (chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước), người ta ước tính, cứ 400 triệu điện thoại di động của Samsung được bán ra trên toàn cầu thì có tới 120 triệu điện thoại được sản xuất tại Bắc Ninh. Và doanh nghiệp Việt Nam xem như đã bỏ lỡ thời cơ vàng để kiếm lãi.

Tập đoàn Samsung đưa ra danh sách 170 phụ kiện để Việt Nam có thể cung ứng cho các sản phẩm điện thoại thông minh và máy tính bảng thế hệ mới của mình, song khi hỏi đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp (gồm cả những doanh nghiệp điện tử đã có vài chục năm kinh nghiệm) thì câu trả lời là: chưa thể làm được (không đáp ứng được công nghệ và giá thành), mà trong đó có những linh kiện nghe rất đơn giản như cái sạc pin, cáp USB, vỏ nhựa, tai nghe... Hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam hầu như chỉ cung cấp được bao bì và một số sản phẩm in ấn cho Samsung.

Những thông tin và nhận định của Samsung đã làm dấy lên một cuộc tranh luận trên nhiều phương tiện truyền thông và các diễn đàn. Đa số bày tỏ sự tiếc nuối (và cả xấu hổ) khi hàng chục năm qua Việt Nam đầu tư nhiều chính sách, thời gian, tiền bạc cho công nghiệp hỗ trợ mà không thu được hiệu quả.

Nhưng sự thật có phải như thế? Bài viết trên Báo điện tử Vietnamnet gần đây cho thấy một góc nhìn khác. Ông Mai Văn Đán, giám đốc một công ty đã có 20 năm sản xuất linh kiện xe máy, từng xuất khẩu sang EU và ông Bùi Thành Nam, Giám đốc Công ty nhựa Hà Nội, đơn vị từng cung cấp linh kiện cho LG, đều cho rằng phủ nhận hoàn toàn năng lực của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này là không thỏa đáng. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất nhiều linh kiện mà Samsung và các doanh nghiệp FDI khác yêu cầu, nhưng họ không được trao cơ hội. Thực tế, khi các tập đoàn FDI vào Việt Nam, họ “kéo theo” cả những doanh nghiệp vệ tinh sản xuất linh kiện và luôn ưu tiên cho nhóm doanh nghiệp vệ tinh đó. Điều này khá đúng với thực tế, khi một số tập đoàn FDI tên tuổi đầu tư ở Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh… thì những doanh nghiệp vệ tinh luôn đi kèm với họ.

Trở lại câu chuyện Samsung, nhiều doanh nghiệp Việt đã phản ứng trước than phiền rằng trong số 95 đơn vị cung ứng linh kiện, phụ tùng thì chỉ có 7 là của Việt Nam, chủ yếu làm bao bì. “Việc tiếp xúc được với tổng giám đốc Samsung là rất khó và hầu như hãng này chỉ làm việc qua trung gian” - ông Trần Anh Vương, Giám đốc Công ty Bắc Việt, phàn nàn trên Vietnamnet.

Nhiều nhận xét cho rằng, mấu chốt đôi khi không nằm ở công nghệ mà doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam thua ở giá thành. Giá linh kiện Việt Nam vẫn chưa cạnh tranh nổi với giá từ Trung Quốc, Thái Lan hay một vài quốc gia khác đã đi trước. Trong sự tính toán của chuỗi giá trị, thua về giá là một trong những điểm yếu lớn nhất mà cả doanh nghiệp lẫn những người làm chính sách cũng lúng túng chưa “gỡ” nổi.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều