Kinh tế khó khăn khiến tăng trưởng tín dụng khối doanh nghiệp nhìn chung gặp khó trong khi không thể dừng huy động vốn, do đó hầu hết ngân hàng đang tìm mọi cách đẩy mạnh cho vay, đặc biệt vay tiêu dùng.
Kinh tế khó khăn khiến tăng trưởng tín dụng khối doanh nghiệp nhìn chung gặp khó trong khi không thể dừng huy động vốn, do đó hầu hết ngân hàng đang tìm mọi cách đẩy mạnh cho vay, đặc biệt vay tiêu dùng. Lãi suất vay tiêu dùng cá nhân hiện tại được đánh giá là mức lãi suất “trong mơ” so với cách đây vài năm, khi phổ biến ở mức 10-12%/ năm tùy gói hỗ trợ. Cá biệt, có nơi chỉ còn dưới 10%/năm.
Hiện tại, các ngân hàng đang tập trung đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, cho vay khối cá nhân để giải quyết các nhu cầu tiêu dùng: mua nhà, mua xe, mua sắm các thiết bị phục vụ đời sống... Nhiều ngân hàng “nhắm” một cách quyết liệt đến lĩnh vực cho vay tiêu dùng, cho vay cá nhân như một cách giải tỏa áp lực tồn vốn trong kho. Điều này thấy rõ ở nhóm ngân hàng quy mô nhỏ và trung bình, biểu hiện ở việc các gói hỗ trợ vay tiêu dùng được tung ra liên tục, dịch vụ mở rộng mạng lưới thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ cũng được đẩy mạnh. Nhóm ngân hàng lớn như: Vietcombank, Agribank hay VietinBank, BIDV… cũng đang quan tâm đến kênh cho vay này, dù trước nay không mấy mặn mà, thậm chí khá “chảnh” khi duyệt các khoản vay cá nhân vì chỉ muốn tập trung cho khách hàng lớn.
Tuy nhiên, mạnh mẽ và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính cá nhân phải kể đến nhóm ngân hàng có quy mô cỡ trung và cỡ nhỏ, với nhiều hình thức hỗ trợ khách hàng như mở rộng các kênh tư vấn 24/7, cung cấp công cụ tính toán, minh bạch lãi suất… Các nội dung cho vay mảng cá nhân cũng đa dạng hơn với vay mua bất động sản, vay mua ô tô, vay phát triển kinh doanh nhỏ… Thậm chí, có ngân hàng còn cho nhân viên đặt bàn ở các ngã tư, chợ truyền thống, khu công nghiệp… để đẩy mạnh cho vay được chút nào hay chút nấy, hứng chịu nhiều phản ánh rằng ngân hàng có tên tuổi mà cho vay như “tín dụng đen”.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến đầu tháng 7, tăng trưởng tín dụng cả hệ thống mới chỉ đạt 4,33% so với thời điểm cuối năm 2013, chưa được 1/3 chặng đường so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 (được xác định là từ 12-14%). Áp lực đang dồn lên các ngân hàng bởi dù có quan tâm đến mục tiêu chung của cả nước hay không thì vấn đề lợi nhuận từng nơi luôn nóng bỏng nhất.
Về lãi suất, dù liên tục giảm từ đầu năm đến nay, song một số nhận định cho rằng lãi có khả năng giảm thêm để kích thích khách vay tiền. Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cũng vừa công bố báo cáo kinh tế 7 tháng đầu năm của cả nước, theo đó lãi suất vẫn có thể giảm thêm để kích thích vay tiền. Cụ thể, đối với hệ thống ngân hàng, lãi suất giảm đối với cả tiền gửi và cho vay. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Tính đến tháng 7-2014, lãi suất tiền gửi VND bình quân là 5,53 %/năm, giảm 0,6 điểm phần trăm so với tháng 12-2013, trong khi lãi suất cho vay bình quân là 10,08 %/năm, giảm 0,25 điểm phần trăm so với tháng 12-2013. Đánh giá tình hình từ nay đến cuối năm, với mong muốn đẩy mạnh tín dụng để hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, lãi suất vẫn có cơ hội giảm thêm, đặc biệt với lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm. Như vậy, cho vay cá nhân sẽ tiếp tục là lĩnh vực mà các ngân hàng nhắm đến để đón đầu nhu cầu mua sắm cuối năm.
Vi Lâm