Báo Đồng Nai điện tử
En

Lại loanh quanh tiền nhàn rỗi

10:09, 15/09/2014

Bỏ tiền nhàn rỗi vào đâu để có lời luôn là mối quan tâm lớn đối với người có tiền, bao gồm cả người dân lẫn những tổ chức kinh tế.

Bỏ tiền nhàn rỗi vào đâu để có lời luôn là mối quan tâm lớn đối với người có tiền, bao gồm cả người dân lẫn những tổ chức kinh tế. Trước nay, các kênh gửi tiết kiệm hay tích trữ ngoại tệ (chủ yếu là USD) luôn là những kênh đầu tư hấp dẫn, bên cạnh các kênh truyền thống là vàng, bất động sản và chứng khoán. Tuy nhiên, suy giảm kinh tế và những chính sách quản lý thị trường vàng và USD khiến hiện nay, chọn kênh tạo lợi nhuận cho tiền nhàn rỗi trở thành một câu hỏi khó.

Trái với mong muốn của những người nắm giữ tiền và do nhiều yếu tố tác động, từ đầu năm 2014 đến nay, các kênh đầu tư tiền nhàn rỗi đã có sự  thay đổi và phân hóa rõ rệt. Trong đó, thấy rõ nhất là người đầu tư không thể mong muốn đem lại lợi nhuận thật cao trong một thời gian ngắn như trước đây. Cuối tháng 8-2014, tiếp nối nhiều đợt giảm lãi suất huy động từ năm 2013 đến nay, nhiều ngân hàng tiếp tục đưa lãi huy động vốn xuống thêm 0,1-0,5% so với trước đó. Hiện tại, lãi suất huy động áp dụng cho kỳ hạn 1 tháng tại các ngân hàng chỉ còn 5,6-6%/năm, cá biệt có ngân hàng lớn còn hạ lãi huy động kỳ hạn trên xuống chỉ còn 4,5%/năm. Mặc dù so với mức lạm phát hiện tại (CPI 8 tháng của năm tăng 4,73%), bỏ tiền vào ngân hàng có vẻ vẫn tốt, song muốn có lời từ 1-2%, nhà đầu tư phải gửi tiền với kỳ hạn từ 1 năm trở lên và điều này khiến kênh tiết kiệm trở nên thiếu hấp dẫn.

Tương tự, tỷ giá USD được Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định suốt một thời gian dài, nhưng chưa bao giờ vượt quá 21.500 đồng/USD trong 2 năm nay, do đó chọn kênh USD để sinh lời không còn là điều mà nhà đầu tư quan tâm nữa. Điều này cũng diễn ra tương tự với vàng. Từ sau dịp nghỉ lễ 2-9, giá vàng tiếp tục giảm mạnh, chỉ còn trên dưới 36 triệu đồng/lượng. Mặc dù nhìn nhận trong hơn 1 năm qua, giá vàng vẫn tăng, song bởi là kênh đầu tư rủi ro lớn nên mức tăng của mặt hàng đặc biệt này được cho là không hấp dẫn lắm với nhà đầu tư. Bất động sản về cuối năm có vẻ sôi động hơn với nhiều dự án chào bán mới. Tuy nhiên, thị trường này cũng không được đánh giá quá cao do vẫn còn nhiều khó khăn kéo dài từ mấy năm nay.

Theo nhiều nhận định, đến thời điểm này chứng khoán vẫn là kênh đầu tư được ưu ái nhất. 2014 là năm thị trường chứng khoán được đánh giá là “chưa bao giờ tốt hơn” kể từ năm 2009. Đầu tháng 9, chỉ số VN-index dao động 635-640 điểm, là mức cao nhất kể từ tháng 3-2008. Mới đây nhất, hãng tin Bloomberg đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có bước tăng trưởng mạnh vào loại nhất trong khu vực. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư quốc tế đã rót 263 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Dự báo lợi nhuận cho các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường cũng được cho là sẽ ở mức 13%, cao hơn nhiều so với dự đoán dành cho các nước trong khu vực.

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều